Nguồn nước Đắk Nông

Báo cáo Hiện trạng môi trường tỉnh Đắk Nông

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề tốt để tăng cường công tác BVMT thời gian tới. Tuy nhiên, do sự phát triển KT-XH, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường. Môi trường nông thông cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng đó khi ngày càng nhiều nguồn phát sinh chất thải và vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra ở khu vực nông thôn, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.

Với mục đích đưa ra những đánh giá tổng thể và toàn diện về bối cảnh phát triển KT-XH trong tỉnh, thực trạng công tác quản lý môi trường nông thôn và những tồn tại, khó khăn và thách thức ở Đắk Nông trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các giải pháp tổng thể theo hướng thống nhất, nhằm mục tiêu quản lý môi trường nông thôn tốt hơn, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.

 

TRÍCH YẾU

Báo cáo Hiện trạng môi trường tỉnh Đắk Nông năm 2022, chuyên đề “Môi trường nông thôn” đánh giá tổng thể các vấn đề về Môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Báo cáo tập trung phân tích các nội dung liên quan đến các nguồn phát sinh chất thải, hiện trạng phát sinh chất thải tại khu vực nông thôn. Báo cáo cũng chú trọng đánh giá những kết quả đạt được và một số vấn đề vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý quản lý môi trường tại khu vực nông thôn như: các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; nguồn lực đầu tư, sự tham gia của cộng đồng… Qua đó, nhận định các thách thức trong công tác quản lý môi trường và đề xuất các nhóm giải pháp quản lý hiệu quả, bền vững trong thời gian tới, đồng thời cũng đề xuất một số giải pháp ưu tiên để xử lý các điểm nóng về quản lý môi trường nông thôn hiện nay.

Báo cáo được xây dựng dựa trên mô hình Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng (D-P-S-I-R). Động lực là các hoạt động phát triển KT-XH như tăng dân số, đô thị hóa, tăng trưởng các ngành kinh tế đô thị, nông thôn, dịch vụ, thương mại… tạo ra Áp lực là làm phát sinh một lượng lớn chất thải và yêu cầu phải xử lý. Hiện trạng được đánh giá gồm tình hình phát sinh chất thải, công tác quản lý nguồn thải. Từ đó, nhận định các vấn đề thách thức đặt ra đối với công tác quản lý môi trường nông thôn. Chất thải phát sinh không được thu gom, xử lý kịp thời và hợp vệ sinh gây ra các Tác động đến chất lượng và cảnh quan môi trường, sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh KT-XH. Việc phân tích thực trạng, những tồn tại trong công tác quản lý môi trường nông thôn là cơ sở xây dựng nội dung Đáp ứng gồm các giải pháp tổng thể và giải pháp cụ thể nhằm quản lý môi trường nông thôn hiệu quả và an toàn, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.

 

Chương I. TỔNG QUAN

1.1. Tổng quan đặc điểm điều kiện tự nhiên

Tỉnh Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam vùng Tây Nguyên, được thành lập từ ngày 01/01/2004 trên cơ sở chia tách tỉnh Đắk Lắk cũ thành tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 651.562 ha.

Đắk Nông có Quốc lộ 14 nối Đắk Nông với Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực kinh tế có động lực của phía Nam; Quốc lộ 28 nối Đắk Nông với Lâm Đồng và Bình Thuận; đồng thời nằm trong tam giác phát triển của 3 nước Việt Nam - Lào – Campuchia, có cửa khẩu Bu Prăng và cửa khẩu Đăk Per là cửa ngõ giao thông, buôn bán với các nước láng giềng.

Hình 1.1: Bản đồ hành chính tỉnh Đắk Nông

1.1.1. Vị trí địa lý

Đắk Nông có vị trí từ 11°45’ đến 12°50’ vĩ độ Bắc và từ 107°12’ đến 108°07’ kinh độ Đông, phía Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Đắk Lắk; phía Đông và Đông Nam giáp với tỉnh Lâm Đồng; phía Nam giáp với tỉnh Bình Phước; phía Tây giáp với Vương quốc Campuchia, với 141 km đường biên giới. Đắk Nông có vị trí chiến lược về an ninh – quốc phòng và kinh tế - xã hội, là đầu mối giao lưu giữa các tỉnh Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải Miền Trung.

1.1.2. Địa hình

Địa hình của tỉnh Đắk Nông chia cắt nhiều, độ cao so với mặt nước biển trung bình từ 600 – 900m. Có sự xen kẽ giữa các địa hình thung lũng, cao nguyên và núi cao. Địa hình có hướng cao dần từ Đông sang Tây, nửa địa hình phía bắc có xu hướng nghiêng lên Tây bắc, nửa địa hình phía nam có xu hướng nghiêng xuống Tây Nam cụ thể:

Địa hình thung lũng là vùng đất thấp phân bố dọc sông Krông Nô, Sêrêpôk, thuộc địa bàn các huyện Cư Jút, Krông Nô. Địa hình tương đối bằng phẳng, thích hợp với phát triển cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Địa hình đồi núi bát úp phân bố chủ yếu ở Đắk Glong, thành phố Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức độ cao trung bình trên 800m, độ dốc trên 30%, thích hợp với phát triển cây công nghiệp lâu năm, lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc.

1.1.4. Địa mạo

Theo điều tra của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp năm 1978-1979, điều tra và phúc tra từ 1997-2000, điều tra bổ sung, chỉnh lý, xây dựng bản đồ đất tỷ lệ 1/100.000 của Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp Miền Trung năm 2004-2005, áp dụng hệ thống phân loại đất năm 1984 kết hợp tham khảo hệ thống phân loại đất của FAO -UNESCO. Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 8 nhóm, 19 đơn vị phân loại đất. Một số nhóm đất chính:

  1. a) Nhóm đất đỏ vàng (F):

Diện tích 535.013 ha, chiếm 82,14% diện tích tự nhiên, phân bố trên các cao nguyên bazan tập trung ở khu vực huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song, Đắk Mil, thành phố Gia Nghĩa, phía đông huyện Cư Jút và Krông Nô. Nhóm đất đỏ vàng được phân ra 5 loại đất chính, trong đó đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính (Fk) 315.809 ha, đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất (Fs) 131.897 ha và 3 loại đất khác 87.307 ha.

Đất đỏ vàng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có độ phì khá, tầng dầy, hàm lượng chất hữu cơ cao, đất xốp, thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ sét vật lý cao và tăng dần theo chiều sâu phẫu diện. Đất có phản ứng chua, hầu hết chỉ số pHKCl dưới 5,5. Đây là nhóm đất chính để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, tiêu, sầu riêng,...

  1. b) Nhóm đất đen (R) :

Diện tích 30.636 ha, chiếm 4,70% diện tích tự nhiên. Phân bố ở những nơi có địa hình bằng thoải, ít dốc, thường ở vị trí trung gian giữa vùng đồng bằng và đồi núi. Đất đen tập trung ở huyện Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô. Đất có màu đen, hơi chua, hàm lượng mùn cao, đạm và lân dễ tiêu khá. Hướng khai thác trồng cây công nghiệp hàng năm, đậu đỗ và hoa màu khác.

  1. c) Nhóm đất xám (X):

Diện tích 25.394 ha, chiếm 3,90% diện tích tự nhiên. Phân bố trên nhiều dạng địa hình khác nhau: Từ dạng bằng thấp ven hợp thuỷ, các bậc thềm bằng phẳng, các dạng đồi thoải đến địa hình đồi và sườn núi cho tới núi cao. Đất xám tập trung ở huyện Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk G’long và thành phố Gia Nghĩa.

Đất có màu chủ đạo là xám, xám sáng, thành phần cơ giới nhẹ và có sự gia tăng sét theo chiều sâu phẫu diện. Đất xám có phản ứng chua, rất chua (pHKCl 4-4,7), cation trao đổi (CEC) thấp, bão hoà bazơ thấp (BS < 50%). Hướng khai thác trồng cây hàng năm.

Ngoài ra còn một số nhóm đất: Nhóm đất phù sa (P) diện tích 13.625 ha, đất thung lũng (D) 5.104 ha nằm rải rác các huyện, có khả năng trồng cây hàng năm. Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi (H) 18.568 ha, đất sói mòn trơ sỏi đá (E) 5.771 ha ở huyện Krông Nô, hướng sử dụng khoanh nuôi bảo vệ rừng và đất khác (chủ yếu đất sông, suối) nằm rải rác ở các huyện.

Đất đai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phần lớn có tầng dầy trên 70 cm (431.897 ha), chiếm 66,31%, từ 30-70 cm (131.165 ha), chiếm 20,14%. Độ dốc < 15º (269.009 ha), chiếm 41,30%, từ 15-20º (106.713 ha) chiếm 16,38%, trên 20º chiếm 39,71% và sông suối chiếm 2,61% diện tích tự nhiên.

1.1.5. Đặc trưng khí hậu

Khí hậu tỉnh Đắk Nông vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng. Khí hậu có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể. Nhiệt độ trung bình qua các năm là 23,4 - 24,0ºC, nhiệt độ cao nhất tập trung vào tháng 4 và tháng 5. Nhiệt độ thấp nhất vào tháng 12 và tháng 1. Có những năm nhiệt độ bất thường nắng nóng, dễ gây cháy rừng, khô hạn thiếu nước ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Tổng số giờ nắng trong năm trung bình 2.000 - 2.200 giờ. Tổng tích ôn cao rất phù hợp với phát triển các cây trồng nhiệt đới lâu năm. Lượng mưa trung bình năm từ 2.000 - 2.700 mm. Tháng mưa nhiều nhất vào tháng 5 đến tháng 8; mưa ít nhất vào tháng 12, tháng 1 và tháng 2. Độ ẩm không khí trung bình 82 - 84%. Độ bốc hơi mùa khô 14,6-15,7 mm/ngày, mùa mưa 1,5-1,7 mm/ngày.

Hướng gió thịnh hành mùa mưa là Tây Nam, hướng gió thịnh hành mùa khô là Đông Bắc, tốc độ gió bình quân 2,4-5,4 m/s, hầu như không có bão nên không gây ảnh hưởng đối với các cây trồng dễ gãy, đổ như cà phê, cao su, tiêu v.v.

1.1.6. ­­­Thủy văn

Đắk Nông có mạng lưới sông suối tương đối dày, phân bố rộng khắp địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình thủy điện, phục vụ các ngành kinh tế và nhu cầu dân sinh. Do điều kiện địa hình có độ cao trung bình trên 700m so với mực nước biển, độ dốc 10 – 30% gồm cao nguyên, núi cao xen lẫn với các vùng trũng thấp. Quốc lộ 14 như là một sống trâu chạy dọc giữa tỉnh, cũng là đường phân thuỷ chia địa hình tỉnh ra làm hai phần, phần phía Đông và phần phía Tây, nên hầu hết các sông, suối phụ thuộc vào địa hình có độ dài ngắn khác nhau. Thời gian tập trung nước tạo thành dòng chảy trong thời gian rất ngắn, kết hợp với địa hình dốc dễ gây ra lũ lụt hầu hết các vùng dân cư ven sông suối trũng thấp ở hạ lưu. Ngược lại trong mùa khô, nắng nhiều, bốc hơi mạnh, khả năng giữ nước của các lưu vực kém, sông suối thường cạn kiệt.

1.1.6.1. Sông Sêrêpôk:

Sông Sêrêpôk do hai nhánh sông Krông Nô và Krông Ana hợp lưu với nhau tại thác Buôn Dray (huyện Krông Ana - Đắk Lắk; Buôn Choah - Krông Nô - Đắk Nông), bắt nguồn từ độ cao trên 800m. Sông Sêrêpôk có tổng chiều dài 406 km, diện tích lưu vực là 16.420 km2 và lưu lượng dòng chảy trung bình là 181 m³/s. Đoạn chảy qua tỉnh Đắk Nông dài 65,5 km chạy dọc phía Bắc tỉnh, nằm trên địa phận huyện Krông Nô và Cư Jút, lòng sông tương đối dốc, đổ về biên giới Việt Nam, Cam-Pu-Chia hoà vào hệ thống sông Mê Kông. Khi chảy qua địa bàn tỉnh Đắk Nông, do kiến tạo địa chất phức tạp, lòng sông trở nên hẹp và dốc tạo ra các thác nước lớn hùng vĩ, vừa có cảnh quan thiên nhiên đẹp, vừa có tiềm năng thủy điện mang lại giá trị kinh tế. Đó là thác Gia Long, Đray Sap, Trinh Nữ, Dray H'Linh. Các thác này đang được đưa vào khai thác phục vụ du lịch và phát triển thủy điện.

Phụ lưu của sông chính có các suối: Đắk Gang, Đắk Nir, Dray H'Linh, Ea Tuor, Đắk Ken, Đắk Lâu, Đắk Soul cũng đều chảy vào sông Sêrêpôk.

  1. a) Nhánh suối phụ Đăk Soul

Suối Đăk Soul dài 54,2 km bắt nguồn từ xã Nam Bình huyện Đắk Song với độ cao 850m, chảy theo hướng Tây bắc - Đông nam qua các xã Đắk Hoà, Đắk Môl (huyện Đắk Song), xã Đắk Sắk, Long Sơn, Đắk R’la, Đắk Gằn (huyện Đắk Mil chảy vào sông Sêrêpôk, độ dốc suối 10 – 15%. Diện tích lưu vực 526,2 km2

  1. b) Nhánh suối Ea Gang

Suối Ea Gang dài 35,1 km, bắt nguồn từ Đắk Gonn (huyện Đắk Mil) có độ cao 550m, chảy qua các xã Đắk Drông, Cư Knia, Nam Dong (huyện Cư Jút) nhập vào sông Sêrêpôk. Diện tích lưu vực 243,6 km2, độ dốc 8 – 10%

  1. c) Nhánh suối Ea N’ri

Suối Ea N’ri dài 26km bắt nguồn từ xã Cư Knia, Đắk Rông có độ cao trên 300 m chảy qua xã Đắk Wil vào sông Sêrêpôk. Diện tích lưu vực 223,4 km2, độ dốc 10 – 12%

1.1.6.2.  Sông Krông Nô

Bắt nguồn từ dãy núi cao Chư Yang Sin trên 2000m phía Đông Nam tỉnh Đắk Lắk, nơi giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, chảy qua huyện Krông Nô. Diện tích lưu vực là 3.920 km2 và có chiều dài dòng chính là 156 km. Lưu lượng trung bình nhiều năm là 76,4 m³/s; lưu lượng lớn nhất 228,7m³/s; lưu lượng nhỏ nhất 18,8 m³/s. Sông Krông Nô đoạn chảy qua địa phận tỉnh Đắk Nông dài 62,8km. Sông Krông Nô có ý nghĩa rất quan trọng đối với sản xuất và đời sống dân cư trong tỉnh. Ngoài ra còn nhiều suối lớn nhỏ khác phân bố khá đều khắp trên địa bàn huyện Krông Nô, Cư Jút như suối Đắk Mâm, Đắk Rồ, Đắk Rí, Đắk Nang đều là phụ lưu của sông Krông Knô.

  1. a) Nhánh suối Đắk Rí

Suối Đắk Rí có chiều dài 47,7 km, bắt nguồn từ huyện Đắk Song ở độ cao 900m gồm các suối: Đắk Nao, Đắk Pri, Đắk N’Tao, Đắk Nang, chảy qua xã Đức Xuyên và đổ vào sông Krông Nô. Diện tích lưu vực 504,4 km2, độ dốc 10 – 15%

  1. b) Nhánh suối Đắk Rmăng

Suối Đắk Rmăng có chiều dài 48,4km, bắt nguồn từ xã Quảng Khê huyện Đắk Glong có độ cao 850m gồm các suối DaR’pi, DaNou, DaN’hong, Đắk Rmăng chảy qua xã Quảng Hoà vào sông Krông Nô. Diện tích lưu vực 421,3 km2, độ dốc 14 – 16%.

Ngoài ra còn có các suối bắt nguồn từ phía Tây huyện Đắk Mil đổ về Campuchia và nhiều hồ, đập vừa có tác dụng giữ nước vừa là tiềm năng để phát triển du lịch như hồ Trúc, hồ Ea T'Linh, hồ Đắk Rông vv…

1.1.6.3. Hệ thống đầu nguồn sông Đồng Nai

Sông Đồng Nai chảy qua địa phận tỉnh Đắk Nông nằm rìa phía Nam các xã Đắk Sin, Đạo Nghĩa (huyện Đắk R’lấp), thành phố Gia Nghĩa, xã Đắk Som (huyện Đắk Glong), huyện Đắk Song, huyện Tuy Đức. Chiều dài đoạn sông thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông là 103 km, có nhiều phụ lưu bắt nguồn từ độ cao trên 800m chảy vào.

  1. a) Phụ lưu Đắk Rkênh

Suối Đắk Rkênh bắt nguồn từ độ cao trên 600m thuộc địa bàn huyện Đắk Rlấp, có nhiều suối nhỏ hợp thành như: suối Đắk Sin, Đắk Gur, Đắk Anh Kông chảy qua các xã Đắk Sin, Hưng Bình, Đạo Nghĩa và Quảng Tín. Diện tích lưu vực 316 km2, độ dốc 15 – 20%.

  1. b) Phụ lưu Đắk N’Drung

Suối Đắk N’Drung bắt nguồn từ độ cao trên 800m, gồm nhiều suối trên địa bàn huyện Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk R’lấp, Gia Nghĩa hợp thành đó là: suối Đắk N’drung, Đắk R’tih, Đắk Nông, Đắk Buk So. Diện tích lưu vực 912 km2, độ dốc 15 – 20%.

  1. c) Phụ lưu Da Ninh

Lưu vực suối Đa Ninh bắt nguồn từ vùng đồi núi thuộc địa bàn xã Đắk Ha huyện Đắk Glong, có độ cao trung bình 800m, được hợp thành nhiều suối nhỏ như Đa Lau, Đa Nkingn. Diện tích lưu vực 65 km2, độ dốc 15 – 20%.

Mạng lưới sông suối, hồ ao nhiều như vậy, đó rất thuận tiện cho việc xây dựng các công trình thủy lợi, thuỷ điện vừa và nhỏ, cung cấp nước cho các ngành kinh tế và sinh hoạt dân cư.

Chế độ dòng chảy các sông suối của tỉnh Đắk Nông được chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ trùng với mùa mưa, với hơn 80% lượng mưa tập trung trong mùa lũ do đó lượng nước tập trung chủ yếu trong mùa mưa gây ra những trận lũ khốc liệt, thiệt hại kinh tế cho người dân sinh sống trong lưu vực có khi còn đe dọa đến cả tính mạng của con người. Ngược lại, mùa khô là khoảng thời gian có nhu cầu sử dụng nguồn nước nhiều nhất trong năm nhưng chỉ với gần 20% lượng mưa cả năm thì việc thiếu nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt là đương nhiên.

1.2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội

1.2.1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022:

Kết quả triển khai thực hiện 11 nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 đề ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13/12/2021 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ năm 2022 và Nghị quyết số 175/NQ-HĐND ngày 15/12/2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ước kết quả thực hiện cả năm như sau:

(1) Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 ước đạt 7,76% - vượt kế hoạch (kế hoạch là 7,5%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 59,81 triệu đồng - vượt kế hoạch (kế hoạch là 52,86 triệu đồng).

(2) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 19.280 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021 - vượt kế hoạch (kế hoạch là 17.780 tỷ đồng).

(3) Thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.475 tỷ đồng - vượt kế hoạch (Kế hoạch là 3.000 tỷ).

(4) Kết cấu hạ tầng: Tỷ lệ nhựa hóa chung đạt 68%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 28%; Tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,2%; Tỷ lệ đáp ứng cho diện tích có nhu cầu tưới đạt 82% - đạt kế hoạch.

(5) Lao động và việc làm: Số lao động được tạo việc làm 20.941 lượt người - vượt kế hoạch (kế hoạch là 18.000 lượt người); đào tạo nghề cho 5.766 người - vượt kế hoạch (Kế hoạch là 4.000 người); tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 14% - vượt kế hoạch (kế hoạch là 11,2%).

(6) Giảm nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2021-2025): Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm trên 5% - đạt kế hoạch.

(7) Y tế: Đạt 19,8 giường bệnh/vạn dân; đạt 8,5 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% - đạt kế hoạch.

(8) Giáo dục: Tăng thêm 11 trường đạt chuẩn quốc gia - vượt kế hoạch (Kế hoạch là 10 trường).

(9) Văn hóa: Tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn văn minh đô thị đạt 60,56% - vượt kế hoạch (Kế hoạch là 53%).

(10) Môi trường: Trồng mới rừng tập trung đạt 2.039,57 ha (đạt 122,9% kế hoạch); tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,5% - đạt kế hoạch.

(11) Nông thôn mới: Tăng thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 38 xã); số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt 16,42 tiêu chí; Tăng thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao - đạt kế hoạch.

1.2.2. Tăng trưởng kinh tế:

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh năm 2010) ước cả năm 2022 đạt 22.334,73 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,03%. Tuy nhiên, dự kiến hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặt biệt là số tuyệt đối GRDP ước đạt 22.334,73 triệu đồng/KH 22.281,24 triệu đồng, tăng 0,24% nên dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 của tỉnh sẽ đạt 7,76%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 40.226,01 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu ng¬ười ước đạt 59,81 triệu đồng, đạt 113,38% kế hoạch. Cơ cấu nền kinh tế đã có sự chuyển dịch: Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 38,49%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 20,08%; khu vực dịch vụ chiếm 37,18%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4,25%.

Nhìn chung, tình hình kinh tế tiếp tục được phục hồi tích cực từ đầu năm 2022, các lĩnh vực cơ bản giữ được nhịp độ tăng trưởng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định trở lại, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ mức tăng khá trong bối cảnh ảnh hưởng bởi giá vật tư đầu vào tăng cao. Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của người dân, không có hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch, văn hoá sôi động hơn, tạo cú hích cho phục hồi kinh tế nội tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh, tình hình xung đột giữa Nga –Ukraina, giá cả nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu, gas, vật liệu xây dựng...tăng cao dẫn đến giá cả một số mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm tăng theo, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh.

1.2.3. Công nghiệp:

Ngành công nghiệp của tỉnh trong thời gian qua có bước phát triển và tăng trưởng khá, đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chỉ số sản xuất công nghiệp và giá trị sản xuất công nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Phát triển theo chiều sâu các ngành công nghiệp có lợi thế, từng bước hình thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Bước đầu khai thác và phát huy tốt các tiềm năng về công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp nhẹ và năng lượng; công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ; chuẩn bị triển khai xây dựng Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, hình thành định hướng chuỗi công nghiệp Alumin – luyện nhôm và sau nhôm. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 ước tăng 11% so với năm 2021.

1.2.4. Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Quy mô và sản lượng nông nghiệp tăng đáng kể, hầu hết diện tích và sản lượng các cây công nghiệp chủ lực của tỉnh tăng cao. Năng suất các cây trồng tăng nhờ vào việc cải thiện chất lượng giống cây trồng, cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và triển khai chương trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tình hình chăn nuôi trong nhiều năm qua có những chuyển biến tích cực, từ quy mô nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, thị trường đầu ra ổn định do người dân liên kết chăn nuôi với các công ty chăn nuôi lớn, một số vật nuôi tăng mạnh do thực hiện các Đề án, chương trình, dự án, chính sách định hướng phát triển của tỉnh phát huy hiệu quả. Nuôi trồng và khai thác thủy sản gia tăng ổn định hàng năm, người dân đã tích cực tận dụng thêm mặt nước tại các hồ thủy điện để nuôi cá lồng, bè, hình thành và phát triển những vùng chuyên canh.

  1. a) Trồng trọt:

Tình hình sản xuất nông nghiệp trong năm trên địa bàn tỉnh diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi; tiến độ gieo trồng và thu hoạch cơ bản đảm bảo. Kết quả: Diện tích sản xuất các cây trồng chủ yếu năm 2022 ước đạt 304.708 ha, đạt 100,2% KH, tăng 3.922 ha so với năm 2021 (tăng 1,3%) . Cụ thể:

Đối với cây trồng hằng năm: diện tích gieo trồng ước đạt: 83.477 ha, đạt 97,06 % so với KH, tăng 3.015 ha so với năm 2021. Kết quả theo từng mùa vụ như: i) Vụ Đông Xuân 2021-2022: Gieo trồng 10.318,6 ha, đạt 101,2% KH; Thu hoạch đạt 10.318,6 ha, đạt 100% GT; ii) Vụ Hè Thu 2022:  Gieo trồng đạt 53.148 ha, đạt 86,17% KH, nhưng cao hơn so với năm trước 4.582 ha; Thu hoạch đến nay đạt 45.494 ha TH/53.148 ha GT (đạt 85,60%) nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước 27 ha; iii) Vụ Thu Đông 2022-2023: Gieo trồng đạt 20.135,2 ha/24.148,8 ha KH (đạt 83,4%KH), nhanh hơn cùng kỳ năm trước 6,2 ha.

Đối với cây lâu năm: Trồng mới cây lâu năm đạt 4.969,5 ha, nhiều hơn cùng kỳ năm trước 326,6 ha (cùng kỳ năm trước 4.642,9 ha).

Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 355.836 tấn đạt 100,43% KH; sản lượng cà phê ước đạt 344.400 tấn đạt 100,62% KH; sản lượng Hồ tiêu đạt 58.000 tấn đạt 95,7% KH; sản lượng cao su ước đạt 35.200 tấn đạt 100% KH.

Tình hình dịch bệnh hại trên cây trồng đã được kiểm soát tốt; diện tích cây Hồ tiêu nhiễm bệnh có phát sinh nhưng mức độ chậm, không có hiện tượng lây lan diện rộng. Dịch hại trên các loại cây trồng một số đối tượng sâu, bệnh gây hại rải rác, tỷ lệ bệnh hại thấp. Trong 10 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 19 ha diện tích Hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm.

  1. b) Chăn nuôi và thủy sản:

Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi tương đối ổn định; đàn lợn, dê phát triển mạnh, ước thực hiện cuối năm vượt kế hoạch năm, tuy nhiên đối với tổng đàn trâu, bò có khả năng không đạt kế hoạch đề ra do hiệu quả chăn nuôi thấp, cụ thể: Tổng đàn lợn 450.800 con (đạt 112,7% kế hoạch năm); tổng đàn bò 27.400 con (đạt 88,39% kế hoạch năm) và tổng đàn trâu có 3.100 con (đạt 62% kế hoạch năm); tổng đàn gia cầm có 2.400.000 con (đạt 85,71 % kế hoạch năm); tổng đàn dê có 46.606 con con (đạt 86,31% KH năm).

Về tình hình dịch bệnh: Xảy ra rải rác dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn 20 xã của 07 huyện, thành phố. Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 04 xã, thị trấn của 02 huyện. Đến nay đã triển khai tiêm được 21.753 liều vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; 18.371/19.800 liều vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn; đạt tỷ lệ 93% so với kế hoạch của tỉnh, hiện nay đã có 04/08 huyện hoàn thành công tác tiêm phòng. Các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh trên vật nuôi, tiến hành công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, không để dịch lây lan diện rộng.

Về thuỷ sản: Diện tích nuôi chủ yếu là ao hồ nhỏ, nuôi nhỏ lẻ phân tán trong dân, nuôi một vụ theo hình thức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến nên năng suất, sản lượng thấp. Sản lượng chủ yếu tập trung ở nuôi cá lồng bè. Nuôi cá lồng bè thời gian gần đây đang được người dân chú trọng phát triển nuôi trên các hồ thủy điện, thủy lợi, sông. Việc cơ cấu lại ngành thủy sản chưa chuyển biến rõ nét, nguồn lực cho phát triển thủy sản còn nhiều hạn chế, chưa đầu tư được cho phát triển thủy sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước khoảng 1.950 ha, tổng sản lượng 7.310 tấn  (đạt 90,68% so với KH năm). Sản xuất cung ứng thị trường 702.000 con cá giống các loại, tương đương sản lượng 10.105kg, đạt 100% KH.

  1. c) Lâm nghiệp: Từ đầu năm đến nay, xảy ra 432 vụ , giảm 18,8% số vụ so với cùng kỳ năm 2021; riêng hành vi phá rừng trái pháp luật phát hiện và lập hồ sơ xử lý 302 vụ với diện tích thiệt hại 62,2327 ha, so cùng kỳ năm trước giảm 6,79% (giảm 22 vụ); diện tích thiệt hại giảm 19,67% (giảm 15,2376 ha). Kết quả xử lý: 313 vụ (tồn năm 2021 chuyển qua 44 vụ), trong đó: Xử lý hành chính 300 vụ, chuyển hồ sơ tiếp tục điều tra 07 vụ, xử lý hình sự 06 vụ; tồn đọng chưa xử lý 163 vụ; Lâm sản tịch thu 48,762 m³ gỗ các loại; Phương tiện tịch thu 29 máy móc và phương tiện các loại. Tiền thu sau xử lý 1.349,396 triệu đồng.

Đến nay, đã trồng được 2.039,57 ha rừng, đạt 122,9% kế hoạch giao (Trồng rừng tập trung 1.012,44 ha, trồng cây phân tán 275,60 ha, Nông lâm kết hợp 751,53 ha). Số liệu công bố diễn biến rừng đến ngày 31/12/2021, tổng diện tích đất có rừng 248.343,79 ha đất có rừng, đến thời điểm hiện tại tổng diện tích đất có rừng 248.343,79 ha đất có rừng, trong đó: 212.433,15 ha thuộc quy hoạch ba loại rừng (196.203,95 ha rừng tự nhiên và 16.229,20 ha rừng trồng); 35.910,64 ha ngoài quy hoạch ba loại rừng (154,37 ha rừng tự nhiên và 35.756,27 ha rừng trồng). Tỉ lệ che phủ rừng đạt 38,15%; ước tỉ lệ che phủ rừng năm 2022 là 38,5% đạt 100% kế hoạch.

  1. d) Nông thôn mới: Đến nay toàn tỉnh đã có 35/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 58,3%; bình quân mỗi xã đạt 16,42 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí . Có 02/7 huyện đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 (huyện Cư Jút và huyện Đắk R’lấp). Hiện nay, còn huyện Tuy Đức chưa có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 tại Quyết định số 472/QĐ-TTg ngày 18/4/2022. Dự kiến đến cuối năm 2022 có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100% kế hoạch; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 100% kế hoạch; chỉ tiêu bình quân mỗi xã đạt 16,5 tiêu chí nông thôn mới, đạt kế hoạch.

1.2.5. Thương mại, dịch vụ và du lịch:

  1. a) Thương mại: Tình hình thị trường hàng hoá trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân; lượng hàng hoá phục vụ các ngày Lễ, Tết phong phú, đan dạng về chủng loại, mẫu mã và đảm bảo chất lượng. Tình hình giá cả ở hầu hết các mặt hàng đều có xu hướng tăng do chịu sức ép tăng giá xăng dầu và gas, chi phí sản xuất đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ đề bị ảnh hưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện đến hết năm 2022 đạt 19.312 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 17.200 tỷ đồng) và tăng 21% so với năm 2021.
  2. b) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Nhìn chung, giá cả các mặt tăng nhẹ so với cùng kỳ và tăng hầu hết ở các nhóm hàng hóa thiết yếu. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,11% so với bình quân cùng kỳ, trong đó tăng cao nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 7,2%), nhóm giao thông (tăng 5,93%), nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 2,95%).
  3. c) Xuất, nhập khẩu: Năm 2022, tình hình kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khơi thông, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu trong năm dự kiến đạt 1.170 triệu USD, tăng 21% so thực hiện năm 2021 và đạt kế hoạch đề ra; Kim ngạch nhập khẩu trong năm dự kiến đạt 330 triệu USD, giảm 36% so với thực hiện năm 2021, đạt kế hoạch đề ra, do nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ các dự án năng lượng tái tạo giảm so với năm trước.
  4. d) Vận tải hành khách và hàng hóa: Khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 2.595.000 hành khách, tăng 30,91% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách luân chuyển là 536.111.000 HK.Km, tăng 62,81% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa vận chuyển là 4.111.000 Tấn, tăng 22,91% so với cùng kỳ; sản lượng hàng hóa luân chuyển là 452.586.000 Tấn.Km, tăng 17,7% so với cùng kỳ.
  5. e) Du lịch: Nhằm khôi phục và phát triển hoạt động du lịch sau đại dịch, ngày 19/4/2022 UBND tỉnh đã ban hành Phương án số 195/PA-UBND về mở cửa lại hoạt động du lịch trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh, trong đó triển khai đón khách du lịch quốc tế đến tham quan, du lịch trở lại trên địa bàn tỉnh trong điều kiện bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; mặc khác các cơ sở kinh doanh du lịch đã chú trọng trong công tác đầu tư, xây dựng, nâng cấp cở sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở thêm nhiều loại hình dịch vụ mới phù hợp với thị hiếu của du khách vì vậy hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn có nhiều khởi sắc, du khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, đặc biệt là trong các dịp lễ.

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 435.250 lượt khách, tăng 262% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khách quốc tế ước đạt 1.379 lượt, tăng 105,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 103,900 lượt khách. Tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông ước thực hiện cả năm 2022 đạt 480.000 lượt, tăng 280,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó khách quốc tế ước đạt 2.500 lượt, tăng 257,1% so với cùng kỳ năm 2021.

1.2.6. Đô thị, xây dựng và kết cấu hạ tầng:

  1. a) Đô thị, xây dựng: Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình… Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị nhằm đạt các tiêu chuẩn, điều kiện để triển khai nâng cấp đô thị trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 1 đô thị loại III (thành phố Gia Nghĩa); 03 đô thị loại IV (thị trấn Ea T’ling, thị trấn Đắk Mil và thị trấn Kiến Đức); 05 đô thị loại V (thị trấn Đắk Mâm; thị trấn Đức An; xã Nam Dong; xã Quảng Khê và xã Đắk Búk So); Tỷ lệ đô thị hóa đạt 28%, đạt kế hoạch.
  2. b) Kết cấu hạ tầng:

Trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đầu tư được 70km đường nâng tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh từ 66% lên 67,5%.

Hiện nay, toàn tỉnh có 02 khu công nghiệp đã được thành lập là Khu công nghiệp Tâm Thắng với diện tích: 179,19 ha và Khu công nghiệp Nhân Cơ  với diện tích 148 ha ; 01 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020 (Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 với diện tích 400 ha). Trên địa bàn tỉnh có 02 cụm công nghiệp cơ bản hoàn thiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, gồm: cụm công nghiệp Thuận An đã thu hút 17 dự án đầu tư, với diện tích đất thuê lại là 16,29 ha; số vốn đăng ký đầu tư khoảng 300,4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động và tỷ lệ lấp đầy giai đoạn I đạt 93,7%. Cụm công nghiệp BMC, đến nay mới chỉ có 01 nhà đầu tư thuê đất với diện tích là 1,2 ha, hiện đang đầu tư xây dựng nhà xưởng.

Hạ tầng cấp điện: Đến nay trên địa bàn tỉnh có 2.096km đường dây trung áp, 2.323km đường dây hạ áp và 2.249 trạm biến áp với tổng dung lượng 391.989kVA. Lưới điện được đầu tư đến 71 xã, phường, thị trấn trên địa các huyện, thành phố. Lưới điện cơ bản đáp ứng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện của tỉnh ước đạt 99,2%, tỷ lệ thôn, buôn có lưới điện quốc gia đạt 100%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 46 chợ đang hoạt động được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn (còn lại 29 xã, phường chưa có chợ); 01 Trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp; 01 Siêu thị hạng III tại thành phố Gia Nghĩa; 01 trung tâm phức hợp, huyện Cư Jút. Hiện tại, đang triển khai xây dựng Trung tâm thương mại Đắk Mil tại huyện Đắk Mil với tổng vốn đầu tư 645 tỷ đồng, diện tích 7.526,5 m².

1.2.7. Về phát triển văn hóa - xã hội

  1. a) Văn hóa:

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị của đất nước cũng như của địa phương. Đặc biệt tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ quần chúng tỉnh Đắk Nông lần thứ VIII, năm 2022; tổ chức thành công chương trình nghệ thuật “Đắk Nông một tình yêu” nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022); Tổ chức Hội thi nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấp áp yêu thương” nhân dịp kỷ niệm 21 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2022); Tổ chức Triển lãm tranh pano tấm lớn tuyên truyền Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022). Ngoài ra, còn tổ chức 35 buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ cơ sở; 30 chương trình văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa trên địa bản tỉnh luôn được quan tâm triển khai thực hiện. Sưu tầm được 1.948 hiện vật. Hoàn thiện hồ sơ cho 4.290 hiện vật gồm: 2.813 hiện vật xương, 887 hiện vật gốm, 590 hiện vật văn hóa dân tộc trong bộ sưu tập hiện vật khai quật được tại hang động núi lửa Krông Nô và hiện vật do các nhà sưu tập tỉnh Bình Thuận hiến tặng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các loại bản đồ Di tích lịch sử Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên và Di tích địa điểm khảo cổ Hang động núi lửa C6-1 (Krông Nô).

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 131.494/151.359 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 86,87% (Kế hoạch 85,5%); 641/713 thôn, bon, buôn, tổ dân phố được công nhận thôn văn hóa đạt tỷ lệ 89,90% (Kế hoạch 85,5%); 824/859 cơ quan đơn vị đạt văn hóa đạt tỷ lệ 95,92% (Kế hoạch 93%) và 43/71 xã văn hoá nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh đô thị đạt tỷ lệ 60,56% (Kế hoạch 53,0%).

  1. b) Thể dục và thể thao:

Phong trào thể dục thể thao tiếp tục được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở và đã có những bước phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Đắk Nông lần thứ V diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút đông đảo các vận động viên tham gia ở nhiều bộ môn, qua đó đã lựa chọn được các vận động viên xuất sắc để tham gia các giải thi đấu quốc gia và quốc tế. Ngoài ra năm 2022, đã tổ chức thành công 07 giải thể thao cấp tỉnh, tham gia giải Đua thuyền Rowing và Canoeing vô địch trẻ quốc gia năm 2022, kết quả Đoàn Đắk Nông đã giành 2 huy chương đồng ở môn Canoeing.

Thành lập các đoàn VĐV tham gia 06 giải thi đấu toàn quốc, kết đạt được 18 huy chương các loại, trong đó có 02 HCV, 06 HCB, 10 HCĐ. Đặc biệt, vận động viên Vũ Trường Giang tham gia thi đấu Seagame 31, đạt huy chương Đồng môn Kickboxing hạng cân 63,5kg.

  1. c) Giáo dục và đào tạo:

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành như: hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương với mục tiêu kép là vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa phòng chống dịch hiệu quả. Quy mô giáo dục phát triển ổn định, chất lượng đào tạo cũng từng bước được cải thiện, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cho địa phương và các tỉnh lân cận. Cơ bản triển khai có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, mà trước hết là đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo kế hoạch đề ra. Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tu bổ trường lớp, công trình nhà vệ sinh, tường rào; tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học 2022-2023 và thực hiện Chương trình GDPT mới.

Giáo dục mầm non có 126 trường với 32.970 trẻ/1.300 nhóm lớp (có 36 trường với 8.256 học sinh/354 nhóm, lớp ngoài công lập). Các cơ sở giáo dục mầm non đã xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, phòng chống tai nạn thương tích và đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục mầm non. Toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Tỉ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp là 11,3 %; trẻ 3-5 tuổi ra lớp là 78,08%, trẻ 5 tuổi ra lớp là 99,4%.

Cấp tiểu học có 121 trường với 74.518 học sinh/2.394 lớp (có 02 trường với 411 học sinh/19 lớp ngoài công lập). Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Kết quả năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học đạt 96,16%, trong đó, tỷ lệ học sinh lớp 1, lớp 2 hoàn thành chương trình lớp học đạt là 90,52% và 96.1%.

Cấp THCS có 79 trường với 45.994 học sinh/1.233 lớp (có 02 trường với 835 học sinh/30 lớp ngoài công lập); cấp THPT có 32 trường với 21.110 học sinh/541 lớp 9 (có 01 trường THCS-THPT ngoài công lập, nhưng chưa có học sinh cấp THPT). Các cơ sở giáo dục trung học đã thực hiện đồng bộ việc đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, đánh giá học sinh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học của học sinh.

Về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN): Hiện nay, tỉnh Đắk Nông có 19 cơ sở GDNN và đơn vị có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm: 01 Trường cao đẳng, 01 Trường Trung cấp, 07 trung tâm GDNN-GDTX công lập cấp huyện, 07 cơ sở GDNN ngoài công lập và 03 đơn vị khác có chức năng giáo dục nghề nghiệp (đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng); chưa thực hiện xây dựng và triển khai đào tạo chương trình đào tạo chất lượng cao.

Đẩy mạnh công tác kiểm định giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia. Trong 10 tháng đầu năm thực hiện đạt 100% chỉ tiểu về trường chuẩn, lũy kế đạt 176/317 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

  1. d) Y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân:

Công tác chăm lo sức khỏe cho người dân luôn được quan tâm, chú trọng. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực và điều trị bệnh; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh hiệu quả. Tổ chức giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các Trạm Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Tổng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, huyện 10 tháng đầu năm: 406.270 lượt, giảm 12.318 lượt so với cùng kỳ (418.588 lượt); tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến xã: 116.364 lượt; Tổng số khám BHYT là 354.919 lượt, giảm 13.724 lượt lượt so với cùng kỳ (368.643 lượt); Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 81,3 %; đạt 19,8 giường bệnh/vạn dân, đạt kế hoạch; đạt 8,5 bác sỹ/vạn dân, vượt kế hoạch.

  1. e) Giảm nghèo và an sinh xã hội:

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2021 – 2025 như sau: hộ nghèo có 18.290 hộ, 87.125 khẩu, chiếm tỷ lệ 11,19%; Hộ cận nghèo có 10.929 hộ, 47.760 khẩu, chiếm tỷ lệ 6,96%. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách liên quan đến hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện, trong đó công tác hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội(), công tác trợ giúp cộng đồng trên địa bàn tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời; tập trung chăm lo đời sống cho người có công, triển khai các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân dịp Lễ, Tết; kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trong công cuộc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Chỉ đạo các địa phương cấp phát gạo cho Nhân dân theo đúng thời gian quy định, cụ thể: Thực hiện hỗ trợ gạo cứu đói dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, trợ giúp 01 tháng cho 7.610 hộ, 30.211 khẩu, là 452,085kg gạo; hỗ trợ cứu đói giáp hạt năm 2022 cho 8.209 hộ, 33.215 khẩu, là 498.225 kg gạo.

Trong 10 tháng đầu năm, từ nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa vận động được các địa phương và các đơn vị hỗ trợ xây dựng mới 07 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá 485 triệu đồng đạt 54% so với kế hoạch năm 2022.

  1. f) Đào tạo lao động và giải quyết việc làm:

Số lao động được tạo việc làm là 14.686 lượt người, đạt 81,5% so với kế hoạch năm. Tổ chức đào tạo nghề nghiệp cho 5.174 người đạt  129,3%  kế hoạch.

Từ đầu năm đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua ngân hàng CSXH cho vay giải quyết việc làm đã xét duyệt cho vay 3.723 dự án với số tiền cho vay 170.365 triệu đồng, chủ yếu cho vay trực tiếp người lao động.

  1. g) Phát triển khoa học công nghệ:

Trên địa bàn tỉnh đã triển khai 45 nhiệm vụ KH&CN, gồm 12 nhiệm vụ cấp quốc gia, 25 nhiệm vụ cấp tỉnh và 08 nhiệm vụ cấp cơ sở. Việc triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ tập trung bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó hướng tới khai thác các thế mạnh của địa phương, đặc biệt vấn đề về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản là sản phẩm chủ lực của tỉnh; vấn đề khai thác, phát triển tiềm năng du lịch… Hỗ trợ kịp thời cho các nhân, đơn vị đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào các sản phẩm phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được chú trọng triển khai, góp phần ngăn chặn các hiện tượng gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người  tiêu dùng; hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí  tuệ và công tác quản lý, khai thác phát triển tài sản trí tuệ các sản phẩm được bảo hộ đã được quan tâm.

  1. h) Báo chí, phát thanh và truyền hình:

Các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình luôn chủ động bám sát các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và định hướng nội dung tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổ chức tuyên truyền có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch; định kỳ tổ chức họp báo cung cấp thông tin các vấn đề dư luận quan tâm.

  1. i) Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường:

Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, khó khăn trong công tác bồi dưỡng, giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất, công tác lập, triển khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập các phương án bảo vệ khoáng sản và tài nguyên nước; công tác bảo vệ môi trường và một số vấn đề vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Công tác lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2022: Đến nay đã tổ chức thẩm định và kiểm tra thực địa 8/8 huyện, thành phố Gia Nghĩa, đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt.

Tập trung, quyết liệt trong việc chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh như: Ban hành Quy định cơ chế tài chính thực hiện dự án Tái định cư do nhà đầu tư dự án có sử dụng đất tự nguyện ứng trước kinh phí để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 22/01/2021); Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Thực hiện việc ứng vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm của tỉnh.

Triển khai kịp thời các nhiệm vụ theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường công tác quản lý chất thải, thu gom rác thải tại các hộ gia đình, khu cách ly, điều trị COVID-19. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác thải tập trung, các cơ sở chăn nuôi heo tập trung; Nâng cao sự chủ động và tích cực hơn của UBND cấp huyện, thành phố và cấp xã đối với việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các nguồn ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Ban hành Kế hoạch xây dựng lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Nguồn: Báo cáo Tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

 

Chương II. SỨC ÉP Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

2.1. Về phát triển nông nghiệp

2.1.1. Khái quát tình hình sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp tỉnh Đắk Nông những năm gần đây đã có bước phát triển tương đối toàn diện so với trước đây. Các Đề án, Chương trình, Dự án, Chính sách định hướng phát triển của tỉnh phát huy hiệu quả; việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới bước đầu đã có tác động tích cực.

Trên địa bàn tỉnh hiện đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, thế mạnh, tiềm năng với năng suất và chất lượng được cải thiện đáng kể, trong đó cà phê diện tích trên 135,6 ngàn ha, sản lượng 332,6 ngàn tấn; hồ tiêu gần 34 ngàn ha, sản lượng gần 55 ngàn tấn; cao su trên 24 ngàn ha, sản lượng 32 ngàn tấn; điều 17 ngàn ha, sản lượng gần 18 ngàn tấn. Ngoài ra, ngành hàng trái cây, chủ yếu sầu riêng, bơ, chanh dây, xoài, mắc ca... với diện tích gần 15 ngàn ha, sản lượng trên 80 ngàn tấn...

Lĩnh vực chăn nuôi cũng chuyển dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, công nghệ tiến tiến vào sản xuất chăn nuôi để nâng cao giá trị sản xuất. Mặt khác tỉnh Đắk Nông có lợi thế về diện tích đất nông nghiệp lớn, mật độ chăn nuôi còn thấp, giá đất nông nghiệp thấp so các vùng lân cận nên trong thời gian qua đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư đầu tư các trang trại chăn nuôi quy mô lớn vào địa bàn tỉnh. Các hình thức liên kết trong chăn nuôi đang phát triển mạnh mẽ ở Đắk Nông, hiện trên địa bàn tỉnh chăn nuôi lợn đã hình thành chuỗi liên kết (Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam liên kết với 60 hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn 111.900 con; Công ty TNHH CJ Vina Agri liên kết với 8 hộ chăn nuôi chăn nuôi lợn, tổng đàn 20.750 con; Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam liên kết với 22 hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn 51.300 con; Công ty Green farm quy mô 50.000 con lợn) tạo đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế cao; Chăn nuôi gia với tổng đàn gia cầm hiện có 2.202.000 con, 02 chuỗi liên kết (chuỗi liên kết Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam liên kết với 16 hộ chăn nuôi gia cầm, với tổng đàn 476.000 con; Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam liên kết với 08 hộ chăn nuôi gia cầm, với tổng đàn 208.400 con).

Từ khi triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Đề án phát triển vùng NNƯDCNC, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tư duy về ngành nông nghiệp đang dần chuyển hướng từ “sản xuất nông nghiệp thuần tuý” sang “phát triển kinh tế nông nghiệp”. Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại và chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, gắn với thị trường trong nước và quốc tế; phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu…. Theo đó, một số bộ phận nông dân nông thôn cũng đã chủ động ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất nông sản có chứng nhận. Trong đó, đã ứng dụng các biện pháp, giải pháp xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp hợp lý, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học,… góp phần tăng chất lượng cũng như giá trị nông sản.

Bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay vẫn còn mang tính tự phát và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thị trường cung - cầu, thiếu tính bền vững và an toàn; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa nhân rộng và phát huy được hiệu quả vào sản xuất. Công tác tổ chức sản xuất còn hạn chế, người dân sản xuất theo mô hình cá thể, nhỏ lẻ, rời rạc, sự hợp tác, liên kết giữa các nông hộ với nhau còn yếu nên việc quản lý sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm thu hoạch, chế biến tiêu thụ gặp khó khăn. Ý thức sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường còn chưa cao ở một bộ phận người nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh.

2.1.2. Ước tính lượng chất thải phụ phẩm nông nghiệp từ năm 2020 -2022

  1. a) Lượng chất thải từ chăn nuôi

Bảng 2.1: Hiện trạng phát sinh chất thải rắn trong lĩnh vực chăn nuôi

TT Tên vật nuôi Tổng lượng chất thải rắn/năm (tấn/năm)
2020 2021 2022
1 Gia súc
- Bò 28652,50 26006,25 24810,88
- Trâu 5110,00 4562,50 2982,96
- Lợn 136875,00 175200,00 229019,25
- Dê 12255,27 19710,00 15583,31
2 Gia cầm
Gà, Vịt 18980,00 18980,00 16074,60
Cộng 201872,77 244458,75 288471,00

Bảng 2.2: Hiện trạng phát sinh nước thải từ hoạt động chăn nuôi

TT Tên vật nuôi Tổng lượng nước thải/năm (triệu lít/năm)
2020 2021 2022
1 Gia súc
- Bò 172 156 149
- Trâu 31 27 18
- Lợn 319 409 534
- Dê 25 39 31
2 Gia cầm
Gà, Vịt 76 76 64
Cộng 623 707 796
  1. b) Lượng chất thải từ trồng lúa và hoa màu

Bảng 2.3: Lượng chất thải từ trồng lúa và hoa màu

TT Tên loại cây trồng Tổng lượng chất thải, phụ phẩm ước tính qua các năm (tấn)
2020 2021 6 tháng đầu năm 2022
1 Lúa 48.294 49.438 19.111
2 Hoa màu 661.270 609.176 24.248

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2.2. Về phát triển công nghiệp

2.2.1. Tình hình phát triển công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 ước tăng 7,25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 1,45%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,09%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 15,73%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,41%.

Trong tháng 10, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất tăng so với tháng trước như: Sản phẩm đá xây dựng và trang trí ước đạt 76.982 m³, tăng1,4%; Các loại hạt, lạc và các loại hạt khác, đã rang muối hoặc chế biến sẵn ước đạt 416.990 kg, tăng 2%; Cacbon điôxit và hợp chất khí ôxi vô cơ khác của á kim ước đạt 157.895 m³, tăng 14,5%; Cồn béo công nghiệp ước đạt 1.109.163 lít, tăng 1,6%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung ước đạt 7.093,55 nghìn viên, tăng 10%; Nhôm chưa gia công, nhôm ôxit ước đạt 61.377,7 tấn, tăng 1,3%; sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế bằng gỗ ước đạt 7.369 chiếc, tăng 0,9%; điện sản xuất ước đạt 305,49 triệu Kwh, tăng 2,4%; nước uống được ước đạt 338.930 m³, tăng 2,7%; cà phê bột ước đạt 150 tấn, bằng với tháng trước. Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm như: Tinh bột, inulin, gluten từ bột mỳ, dextrin và các loại tinh bột qua chế biến khác ước đạt 1.401.370 kg, giảm 5,7%; Gỗ dán, gỗ lạng (có độ dày không quá 6mm), ván ép và ván mỏng khác ước đạt 1.401 m³, giảm 5,7%; Cao su hỗn hợp chưa lưu hóa và các sản phẩm của chúng, cao su lưu hóa loại trừ cao su cứng ước đạt 1.712.950 kg, giảm 4,6%.

Tình hình đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp: Trên địa bàn tỉnh có 04 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích là 149,61 ha. Trong đó có 02 CCN cơ bản hoàn thiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: CCN Thuận An có 17 dự án đầu tư, với diện tích đất thuê lại là 16,29ha; số vốn đăng ký đầu tư 291,86 tỷ đồng và giải quyết được việc làm cho khoảng gần 250 lao động tại địa phương và tỷ lệ lấp đầy giai đoạn I đạt 93,7%; Cụm công nghiệp BMC, có 01 nhà đầu tư ký kết hợp đồng thuê đất với diện tích là 1,2 ha để triển khai dự án. CCN Krông Nô, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành xem xét, tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật. CCN Quảng Tâm, UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư đối với Công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.

Các dự án trọng điểm luôn được Sở Công Thương thường xuyên theo dõi, kịp thời phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện (các dự án bô xít, điện gió, điện mặt trời,....). Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông của Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân cơ bản đã hoàn thành các hạng mục xây dựng (khối lượng đạt khoảng 90%, đã giải ngân khoảng 2.400 tỷ đồng) và dự kiến từ Quý 4/2022 đến Quý 4/2023, thực hiện công tác lắp đặt thiết bị và chạy thử dây chuyền phân kỳ 1 với công suất 150 ngàn tấn/năm. Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đang nghiên cứu, thực hiện các thủ tục liên quan về đầu tư dự án.

2.2.2. Công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp

Về chất thải phát sinh trong sản xuất công nghiệp: có phát sinh nước thải lớn như Công ty TNHH Đại Việt (86.200 m³/năm), Công ty CP NSTP Quảng Ngãi (50.085 m³/năm), Công ty nhôm Đắk Nông – TKV (5.180.219 m³ /năm); có phát sinh khí thải như: Khí thải nhà máy nhiệt điện của Công ty nhôm Đắk Nông – TKV (5.189.209.142 m³/năm), khí thải lò đốt của Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Bison (58.462 m³/h)… Chất thải rắn công nghiệp phát sinh chủ yếu: mùn gỗ (phát sinh từ đơn vị hoạt động lĩnh vực chế biến gỗ), bã sắn (Nhà máy chế biến tinh bột sắn), bã mía (lĩnh vực chế biến cồn), tro, xỉ (Nhà máy Alumin Nhân Cơ), … đều được các đơn vị thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Phát triển công nghiệp có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Cùng với hoạt động sản xuất, hoạt động bảo vệ môi trường được các doanh nghiệp ngành Công Thương quan tâm thực hiện theo quy định pháp luật: báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; đầu tư hệ thống xử lý chất thải; thực hiện giám sát môi trường và báo cáo giám sát môi trường định kỳ; thực hiện đăng ký chủ nguồn thải và thu gom, lưu trữ, hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Đối với các dự án đầu tư mới, Sở Công Thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành có liên quan trong việc xem xét chủ trương đầu tư; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp từng bước thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu, phát thải lớn ra môi trường, ưu tiên đầu tư sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Nguồn: Sở Công thương

2.3. Về phát triển năng lượng

2.3.1. Tình hình phát triển năng lượng tại khu vực nông thôn:

Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Công ty Điện lực Đăk Nông, Chủ đầu tư các công trình điện trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đầu tư các công trình điện theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, 100% số thôn, bon trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia, với 99,2% số hộ dân có điện sử dụng, đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống của người dân.

Trên địa bàn tỉnh có 15 nhà máy thủy điện đang vận hành, với tổng công suất 356,5MW; có 02 dự án nhà máy điện mặt trời đang vận hành, với công suất 106,4MWp; có 1.631 hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 377,4MWp, trong đó có 311 hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên các trang trại nông nghiệp với tổng công suất 304,6MWp; dự án điện gió Đăk Hòa (50MW) đã vận hành thương mại; dự án điện gió Nam Bình 1 (30MW) đã thi công hoàn thành; Dự án điện gió Đăk N’Drung 1, 2, 3 (300MW) đang triển khai thi công; Dự án điện gió Asia Đăk Song 1 (50MW) và Dự án điện mặt trời Đức An (30MW) đang thực hiện các thủ tục để triển khai đầu tư.

2.3.2. Việc tuân thủ các mục tiêu trong việc phát triển năng lượng về vấn đề quản lý môi trường tại khu vực nông thôn:

Việc phát triển các dự án năng lượng luôn được xem xét trên cơ sở tiềm năng, quy hoạch, đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động môi trường và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư và đưa vào vận hành. Qua theo dõi, cơ bản các chủ đầu tư (thủy điện, điện gió, điện mặt trời,...) chấp hành tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nguồn: Sở Công thương

2.4. Về phát triển giao thông vận tải

2.4.1. Khái quát về diễn biến các hoạt động và áp lực của ngành giao thông vận tải tại khu vực nông thôn.

- Tỉnh Đắk Nông hiện chỉ có duy nhất loại hình vận tải đường bộ, chưa có các loại hình giao thông khác, vì vậy việc vận chuyển hàng hóa, hành khách dùng phương tiện cơ giới đường bộ là chủ yếu. Địa hình tự nhiên rất phức tạp, chủ yếu là đồi dốc, chia cắt mạnh, nhiều sông, suối,… cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ, chất lượng đường sau thời gian đưa vào sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp; mạng lưới đường nhựa chưa được phủ rộng, đặc biệt là tại khu vực nông thôn.

- Tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 4.683 km đường giao thông; mật độ đường giao thông so với diện tích đất tự nhiên đạt 0.719km/km2; mật độ đường giao thông so với tổng dân số đạt 7,34/1000 dân. Mặt đường nhựa chiếm 40,72%; bê tông xi măng chiếm 33,4%, còn lại là đường cấp phối và đường đất chiếm tỷ lệ 25,88%. Trong đó: đường xã, đường giao thông nông thôn dài khoảng 2.906 km chiếm 62,06%.

- Hoạt động giao thông vận tải tại khu vực nông thôn chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển phân bón, nông sản (cà phê, tiêu, điều, …) của người dân; phương tiện được sử dụng đa phần là các phương tiện đời cũ, đã qua sử dụng, sử dụng nhiều năm; quá trình sử dụng phát thải các loại khói, khí thải, khí độc (SO2, NOx, CO,…) cao hơn so với các phương tiện đời mới.

2.4.2. Đánh giá mức độ tuân thủ các mục tiêu trong việc phát triển giao thông vận tải (vấn đề quản lý môi trường trong việc phát triển giao thông vận tải) tại khu vực nông thôn.

- Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông đều thực hiện đăng kiểm, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; đảm bảo chất lượng khí thải theo quy định tại TCVN 6438:2018 và Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.

- Khuyến khích các đơn vị kinh doanh vân tải ưu tiên đầu tư các phương tiện hiện đại, sử dụng nguyên liệu sạch, thân thiện môi trường.

- Đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, khai thác, bảo trì công trình giao thông; cập nhật công nghệ thi công mới đặc biệt là đối với công trình ở đô thị; sử dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong thiết kế và thi công công trình giao thông nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tín hiệu trong quản lý điều hành giao thông.

2.4.3. Khái quát tác động của phát triển giao thông vận tải tới môi trường nông thôn.

Phát triển giao thông vận tải là động lực, là cơ hội cho quá trình kết nối, hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với quá trình phát triển, hoạt động giao thông vận tải đã phát sinh các loại khói, khí thải, khí độc (SO2, NOx, CO,…), bụi, thải lượng TSP (Total suspended particles = Tổng số hạt bụi lơ lửng) sinh ra từ phương tiện cơ giới đường bộ, bụi đất đá, cát tồn đọng trên đường do chất lượng đường sau thời gian đưa vào sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp, do đường bẩn và do vận chuyển các vật liệu xây dựng, rác. Tuy nhiên, thải lượng TSP và các khí độc phát sinh từ ngành giao thông vận tải phân bố không đều trên địa bàn toàn tỉnh, chủ yếu tập trung ở một số đô thị và tuyến đường trọng điểm, đặc biệt vào mùa khô, gây nên nguy cơ ô nhiễm không khí cục bộ và tác động bất lợi đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Nguồn: Sở Giao thông Vận tải

2.5. Về phát triển du lịch, dịch vụ

2.5.1. Khái quát về tình hình hoạt động du lịch, dịch vụ tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2022

- Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án du lịch đã có chủ trương đầu tư phát triển du lịch, trong đó có một số dự án đi vào hoạt động và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế như : Khu du lịch – di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh thác Đ’ray Sáp – Gia Long tại xã Đắk Sô (huyện Krông Nô), Khu Nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn tại xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp), Thiều viện trúc lâm Đạo Nguyên tại xã Nâm N’jang (huyện Đắk Song) và Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái thác Đắk G’Lung tại xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức). Ngoài ra còn một số điểm đến đang thu hút khách du lịch như Tà Đùng Topvew, Du lịch Tà Đùng, thác 5 tầng,… hàng năm đã thu hút được hàng nghìn lượt khách du lịch đến Đắk Nông.

- Về cơ sở lưu trú du lịch: Tính đến tháng 6/2022, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 298 cơ sở lưu trú với tổng số phòng: 3.530 phòng. Trong đó có 39 khách sạn với khoảng 763 phòng; 244 nhà nghỉ, nhà khách với khoảng 2.546 phòng; 15 cơ sở lưu trú khác với khoảng 221 phòng, lều; Có khoảng 40 nhà hàng phục vụ các món ẩm thực địa phương và các đặc sản vùng miền, có sức chứa từ 100 – 1.500 chỗ ngồi/ 01 cơ sở.

- Các đơn vị kinh doanh lữ hành: hiện có 02 doanh nghiệp chuyên tổ chức kinh doanh lữ hành nội địa, tổ chức các chương trình du lịch xuyên Việt và khám phá các vùng miền trên cả nước. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đều thực hiện cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Về lượng khách du lịch đến Đắk Nông 9 tháng đầu năm 2022: Tổng lượt khách là 394.250 lượt (khách nội địa: 392.989 lượt, khách quốc tế: 1.261 lượt) với tổng doanh thu là 47,9 tỷ đồng.

2.5.2. Đánh giá mức độ tuân thủ các mục tiêu bảo vệ môi trường đề ra đối với lĩnh vực phát triển du lịch, dịch vụ tại nông thôn

Nhận thấy môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch là một phần quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh đẹp của du lịch tỉnh Đắk Nông đối với khách du lịch. Do đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho đối tượng là nhân viên, quản lý tại các cơ sở kinh doanh du lịch, điểm du lịch cộng đồng,... trên địa bàn, các cán bộ quản lý nhà nước các huyện, thành phố Gia Nghĩa; trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch và tuyên truyền nội dung các quy định tại Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 về việc hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội và bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Nhìn chung tình hình triển khai các quy định về công tác bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước đến với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó ý thức chấp hành pháp luật về môi trường đã được nâng cao; các cấp ủy Đảng, đoàn thể và toàn xã hội đã quan tâm và nhìn nhận được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, từng bước đưa pháp luật trong lĩnh vực môi trường đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Các tổ chức, cá nhân, chủ cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi triển khai dự án đầu tư xây dựng đều có văn bản xin ý kiến góp ý của Sở ngành liên quan về công tác lập quy hoạch, trong đó có nội dung về đảm bảo vệ sinh môi trường; các cơ sở có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Đồng thời, luôn chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường và thực hiện việc nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường theo quy định.

Các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch chấp hành tốt các quy định về thực hiện niêm yết nội quy hoạt động tại của các khu, điểm du lịch, trong đó có nội dung về bảo đảm vệ sinh môi trường; xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, khu vực thu gom, xử lý chất thải và nước thải,... theo quy định. Đồng thời, bố trí đội ngũ làm công tác vệ sinh môi trường, tuy nhiên số lượng còn hạn chế.

Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản hướng dẫn đối với các khu, điểm du lịch về việc triển khai công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch. Các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn cũng đã quán triệt, thông tin đến nhân viên, du khách về công tác bảo vệ môi trường tại khu, điểm du lịch, tuy nhiên do nguồn nhân lực của đơn vị còn hạn chế nên công tác đảm bảo vệ sinh môi trường chưa thật sự đạt hiệu quả, vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra tại một số khu, điểm du lịch.

2.5.3. Khái quát tác động của phát triển du lịch đối với môi trường

- Các nguồn gây ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch

+ Du lịch là một ngành công nghiệp không khói, tuy nhiên bên cạnh các yếu tố tích cực về phát triển kinh tế thì ngành công nghiệp này vẫn có những tác động nhất định đến môi trường nếu như không được quản lý đúng mức. Cụ thể như: việc quản lý, xử lý chất thải không triệt để thì nước thải sẽ ảnh hưởng đến môi trường các thủy vực lân cận (suối, hồ) làm lan truyền nhiều loại dịch bệnh như đường ruột, bệnh ngoài da, bệnh về mắt,… hoặc làm ô nhiễm các thủy vực gây hại cho cảnh quan và nuôi trồng thủy sản..

+ Chất thải rắn, nạn vứt rác bừa bãi là vấn nạn chung của nhiều khu, điểm du lịch, đây là nguyên nhân gây mất cảnh quan, mất vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Do vậy, lượng chất thải của hoạt động du lịch tương đối lớn và sẽ tác động đến môi trường nước, đất, không khí nếu không có biện pháp quản lý hợp lý.

- Các vấn đề môi trường chính tại các khu, điểm du lịch.

+ Ô nhiễm không khí, tiếng ồn: tuy được coi là ngành công nghiệp không khói nhưng du lịch có thể gây ô nhiễm không khí qua việc xả thải các khí thải từ động cơ xe máy, ô tô, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm và trục giao thông chính. Bện cạnh đó, tiếng ồn từ các phương tiện giao thông và du khách có thể gây phiền hà cho cư dân địa phương và các du khách khác.

+ Việc tiêu thụ năng lượng trong khu du lịch cũng chưa thật hiệu quả và gây lãng phí, vứt rác bừa bãi gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

+ Phát triển du lịch quá mức có thể dẫn tới suy giảm hệ sinh thái, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học như việc phá hủy tài nguyên rừng để xây dựng các khu du lịch, mở rộng các tuyến đường…

+ Phát triển du lịch cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy và các tệ nạn xã hội khác, thay đổi giá trị truyền thống nhiều khu vực có khách du lịch, ảnh hưởng văn hóa khách du lịch.

2.5.4. Ước tính lượng chất thải (chất thải rắn, khí thải) phát sinh từ hoạt động du lịch, dịch vụ tại khu vực nông thôn qua các năm 2020-2022

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì các dự án đi vào hoạt động phải thực hiện việc báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường tùy theo quy mô. Vì vậy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi đi vào hoạt động đều phải tuân thủ các quy định trên để đảm bảo phát triển môi trường bền vững.

Nguồn thải chính của ngành du lịch tỉnh Đắk Nông chủ yếu xuất phát từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (bao gồm khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng; các khu, điểm du lịch; các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí). Các cơ sở dịch vụ du lịch khi đi vào hoạt động đều tuân thủ theo báo cáo thiết kế kỹ thuật, trang bị đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo tiêu chuẩn, cam kết môi trường. Các chất thải rắn từ hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu điểm du lịch đều được phân loại theo từng loại rác và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Ngành du lịch tỉnh đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, lượng khách du lịch còn hạn chế, bên cạnh đó các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đã nghiêm túc triển khai thực hiện việc xử lý chất thải nên trong thời gian qua sự phát triển của ngành chưa tác động nhiều đến môi trường.

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

2.6. Về phát triển y tế

2.6.1. Khái quát về diễn biến các hoạt động và áp lực của ngành Y tế tại khu vực nông thôn.

Những áp lực đối với môi trường nông thôn trước hết xuất phát từ hoạt động dân sinh và sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản thực phẩm, phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp. Mặt khác, môi trường nông thôn ngày càng chịu sự tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa. Do đó, những áp lực lên môi trường ở khu vực này đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ ảnh hưởng, cụ thể như sau:

  1. Các hoạt động sản xuất ở nông thôn phần lớn là quy mô hộ gia đình, gần khu dân cư, hình thức sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, trình độ dân trí thấp, chưa đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là những nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng môi trường. Cùng với vấn đề quy hoạch và quản lý chưa hợp lý, chưa có hoặc vận hành không hiệu quả, không đúng quy chuẩn những công trình xử lý nước thải y tế, chất thải rắn y tế, cũng là những áp lực không nhỏ đối với môi trường nông thôn.
  2. Do kinh tế nông thôn đã và đang phát triển mạnh theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, đã tạo áp lực đối với môi trường. Trước hết là gia tăng nhu cầu sử dụng nước sạch cùng với gia tăng lượng chất thải.
  3. Đặc biệt, khu vực nông thôn là nơi dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thiên tai, thảm họa. Trong đó, một trong những ảnh hưởng của xu thế suy thoái do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu là việc suy giảm nguồn nước. Nhiệt độ không khí có xu thế ngày càng gia tăng do sự nóng lên toàn cầu kéo theo lượng hơi nước bốc lên tăng cao, nhu cầu tưới cũng tăng, lượng dòng chảy nước mặt sẽ giảm tương ứng khi lượng mưa không đổi và thậm chí giảm.

2.6.2. Đánh giá mức độ tuân thủ các mục tiêu bảo vệ môi trường đề ra đối với lĩnh vực y tế.

- Bảo vệ môi trường đối với bệnh viện và cơ sở y tế lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 39 Luật bảo vệ môi trường 2005 và nội dung về bảo vệ môi trường đối với bệnh viện và cơ sở y tế đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung qua các Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Qua đó, ngành Y tế đã tuân thủ các mục tiêu bảo vệ môi trường đề ra đối với lĩnh vực Y tế như sau:

- Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí;

- Triển khai Kế hoạch số 532/KH- UBND Đắk Nông ngày 06/8/2021 tỉnh Đắk Nông về quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Đắk Nông;

- Thực hiện Công văn số 759/UBND-NNTNMT ngày 22/02/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

- Đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền về Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (số 72/2020/QH14) và Hướng dẫn/tập huấn về Thông tư số 20/TT-BYT ngày 26/11/2021 Quy định về quản lý chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế, …).

2.6.3. Kết quả thải lượng chất thải (chất thải rắn, nước thải, khí thải) phát sinh từ hoạt động y tế tại khu vực nông thôn qua các năm 2020 - 2022.

Bảng 2.4: Thải lượng lượng chất thải y tế phát sinh trong giai đoạn 2020-2022

TT Phân loại ĐVT Năm Tổng cộng
2020 2021 Ước tính 2022
1 Chất thải rắn y tế Kg 78.640 198.928 129.601 407.169
2 Nước thải y tế 202.774 104.601 130.229 437.604
3 Khí thải y tế 0 0 0 0

2.6.4. Tình hình quản lý thu gom, xử lý chất thải y tế tại khu vực nông thôn.

Bảng 2.5: Tình hình quản lý thu gom, xử lý chất thải y tế tại khu vực nông thôn

TT Nội dung Năm 2020 Năm 2021 Ước tính 2022
1 Công tác phân loại Phân loại theo TTLT số 58/2015/TTLT BYT-BTNMT Phân loại theo TTLT số 58/2015/TTLT BYT-BTNMT Phân loại theo TTLT số 20/2021/TT BYT
2 Công tác thu gom (Kg) 181.439 222.844 184.963
3 Vận chuyển chất thải y tế (Kg) 157.268 146.264 119.842
4 Xử lý và tái chế chất thải rắn y tế thông thường (Kg) 282.199 219.396 232.293
5 Xử lý chất thải rắn nguy hại (Kg) 78.640 138.690 90.171

Nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật

2.7. Các nguồn ô nhiễm chính tại khu vực nông thôn

- Chất thải rắn nông nghiệp:

Chất thải rắn nông nghiệp thông thường là chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như: trồng trọt, thu hoạch nông sản, bao bì đựng phân bón, thuốc BVTV, …

Trong hoạt động trồng trọt, tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra tràn lan. Do đó, các CTR như chai lọ, bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật, vỏ bình phun hóa chất: thuốc trừ sâu; thuốc trừ nấm; thuốc trừ chuột; thuốc trừ bệnh; thuốc trừ cỏ tăng lên đáng kể.

- Phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật

Hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển kéo theo lượng phân bón hóa học các loại, thuốc BVTV cũng từ đó tăng lên đáng kể. Với kỹ thuật canh tác và thói quen sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV tràn lan hiện nay, một lượng lớn phân bón hóa học, hóa chất BVTV dư tồn trong đất, quá trình ngấm, rửa trôi sẽ làm ô nhiễm đất, nguồn nước mặt và nước ngầm. Bao bì chưa chứa đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng là nguồn tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Việc thu gom, xử lý chất thải từ bao bì, chai lọ hóa chất BVTV hiện còn nhiều hạn chế. Đây là CTR thuộc danh mục CTNH cần phải thu gom, xử lý đúng quy định.

- Chế biến nông sản

Vào mùa vụ hoạt động chế biến nông sản hoạt động với công suất thường xuyên với hầu hết là phục vụ gia đình, cá nhân. Quy mô hoạt động nhỏ, công nghệ lạc hậu, chưa tiên tiến, chưa được đầu tư, mở rộng còn nằm trong khu dân cư kèm theo quá trình chế biến sẽ phát sinh phế phẩm nông nghiệp, nước thải, bụi, khí thải, nếu không có phương án xử lý phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân.

- Chất thải rắn sinh hoạt

Dân số ngày càng tăng, điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các vùng nông thôn nói chung và khu dân cư nói riêng ngày càng phong phú và đa dạng. Đây cũng là nguyên nhân chính làm gia tăng thành phần và tải lượng rác thải sinh hoạt nông thôn. Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh từ các nguồn: các hộ gia đình, chợ, nhà kho, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính... CTR sinh hoạt khu vực nông thôn có tỷ lệ chất hữu cơ khá cao, chủ yếu là từ thực phẩm thải, chất thải vườn và phần lớn đều là chất hữu cơ dễ phân hủy. Hoạt động sinh hoạt hàng ngày, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và chăn nuôi của người dân trên địa bàn huyện là nguồn phát sinh CTR, nước thải chủ yếu với khối lượng rác thải tăng nhanh. Tại một số nơi, rác thải sinh hoạt hiện nay là vấn đề nóng, phức tạp và bức xúc.

- Chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển nhưng phương thức chăn nuôi quy mô còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, chưa được đầu tư và một số phát sinh khác đã tác động đến môi trường. Chất thải chăn nuôi từ phân và các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm chết, chất thải lò mổ... là một trong những nguồn thải lớn ở nông thôn.

Việc phát sinh chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, xen lẫn trong các khu dân cư đế phát triển kinh tế hộ gia đình chưa dược người nuôi chú trọng công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải phát sinh còn gây ô nhiêm mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Tại các trang trại chăn nuôi gia công chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo hồ sơ thiết kế dã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chủ yếu mới xử lý bằng hệ thống biogas và chứa nước thải trong các hô chứa, chưa đảm báo vệ sinh môi trường.

- Khai thác, chế biến khoáng sản

Khai trường của các mỏ, bãi thai, khí độc hại, bụi và nước thải...làm ảnh hường đến cân bằng sinh thái, góp phân gây ra sự ô nhiễm đối với môi trường.

- Chợ

Hoạt động kinh doanh, thương mại tại các khu chợ thường phát sinh rác thải và nước thải tập trung gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan nếu không được xử lý phù hợp.

Theo báo cáo của các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có các nguồn ô nhiễm chính sau:

Bảng 2.6: Bảng tổng hợp các nguồn ô nhiễm chính tại khu vực nông thôn

STT Nguồn ô nhiễm Huyện Krông Nô Huyện Cư Jút Huyện Đắk Mil Huyện Đắk Song Huyện Tuy Đức Huyện Đắk R’lấp Huyện Đắk Glong
1 Chất thải rắn nông nghiệp X Không có báo cáo X Không có báo cáo
2 Phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật X X
3 Chế biến nông sản X X X X
4 Chất thải rắn sinh hoạt X X X X X
5 Chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm X X X X X
6 Khai thác, chế biến khoáng sản X X X X
7 Chợ X

Chương III. HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG

3.1. Môi trường không khí xung quanh

Chất lượng nguồn không khí trên địa bàn tỉnh được đánh giá qua kết quả quan trắc hàng năm của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Nông; trong báo cáo này tổng hợp kết quả quan trắc từ năm 2020 đến nay để có thể thấy rõ những thay đổi của môi trường không khí qua các năm, với các vị trí như sau:

Bảng 3.7: Danh mục vị trí quan trắc môi trường không khí xung quanh

STT Kí hiệu mẫu Vị trí
1 KK05 Bãi rác Thành phố Gia Nghĩa
2 KK07 Xã Đắk Nia (gần chợ tự phát)
3 KK10 Khu vực bến xe mới (gần ngã 4 đường tránh Thành phố Gia Nghĩa)
4 KK11 Ngã ba xã Quảng Tân
5 KK12 Bãi rác Huyện Tuy Đức
6 KK13 Ngã 3 vào khu hành chính huyện
7 KK14 Xã Đắk Rtih (gần nhà máy cao su Đỗ Kim Thành)
8 KK15 Xã Đắk Som
9 KK16 Xã Quảng Khê (ngã 3 vào bệnh viện)
10 KK17 Khu vực có Quặng Bau Xít, xã Đắk Ha
11 KK18 Điểm đầu Cụm CN và Tiểu thủ công nghiệp BMC, xã Đắk Ha
12 KK19 Điểm cuối Cụm CN và Tiểu thủ công nghiệp BMC, xã Đắk Ha
13 KK20 Bãi rác Huyện Đắk Glong
14 KK21 Xã Quảng Sơn
15 KK22 Khu vực gần bãi rác Quốc Long xã Đắk Ha
16 KK23 Bãi rác huyện Đắk Song
17 KK24 Xã Đắk N’Drung
18 KK26 Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung – cổng thiền viện
19 KK27 Xã Thuận Hạnh
20 KK29 Xã Nâm N’Jang (gần nhà máy tinh bột sắn Đắk Song)
21 KK30 Bãi rác Huyện Đắk R’lấp
22 KK31 Bãi rác quy hoạch
23 KK32 Khu vực dân cư xã Đắk Ru
24 KK33 Ngã ba Nhân Cơ, xã Nhân Cơ
25 KK36 Xã Nghĩa Thắng
26 KK37 Xã Nhân Đạo
27 KK38 Xã Nhân Cơ (gần hồ bùn đỏ)
28 KK39 Xã Nhân Cơ (thôn 4)
29 KK40 Xã Nhân Cơ (thôn 12)
30 KK41 Xã Nhân Cơ (Bon Bù Dấp)
31 KK42 Khu vực xã Đức Xuyên
32 KK43 Khu vực xã Đắk Sôr
33 KK44 Bãi rác xã Đắk Mâm
34 KK45 Xã Nâm N’Dir
35 KK46 Quảng trường huyện Krông Nô
36 KK48 Bãi rác Huyện Đắk Mil
37 KK49 Ngã ba xã Đức Mạnh
38 KK50 Xã Đức Minh
39 KK51 Xã Thuận An (gần Cụm Công nghiệp Thuận An)
40 KK52 Xã Đắk N'Drot
41 KK53 Xã Đắk R'la
42 KK57 Điểm đầu khu CN Tâm thắng
43 KK58 Điểm cuối khu CN Tâm thắng
44 KK59 Điểm đường vào UBND xã Tâm Thắng gần KCN Tâm Thắng
45 KK60 Điểm phía trước khu công nghiệp Tâm Thắng (khu vực cổng vào)
46 KK61 Bãi rác Huyện Cư Jut
47 KK62 Xã Nam Dong
48 KK63 Xã Trúc Sơn

(Kết quả quan trắc môi trường xem phần Phụ lục 1)

Diễn biến chất lượng môi trường không khí được đánh giá thông qua các biểu đồ sau:

Hình 3.1: Diễn biến nồng độ SO2 trong không khí

Hình 3.2: Diễn biến nồng độ NO2 trong không khí

Hình 3.3: Diễn biến nồng độ CO trong không khí

Hình 3.4: Diễn biến nồng độ TSP trong không khí

Hình 3.5: Diễn biến độ ồn trong không khí

Đánh giá:

Qua kết quả đánh giá chất lượng môi trường không khí cho thấy môi trường không khí tại các khu vực nông thôn đang còn khá tốt, hầu hết các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 26:2010/BTNTM. Chỉ có một số chỉ tiêu bụi, tiếng ồn, NO₂, SO₂ vượt một ít so với Quy chuẩn tại một số vị trí nhất định nhưng không lặp lại vào những thời điểm quan trắc khác và chủ yếu tập trung vào năm 2020.

3.2. Môi trường nước mặt

Chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh được đánh giá qua kết quả quan trắc hàng năm của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Nông; kết quả quan trắc được tổng hợp từ năm 2020 đến nay như sau:

Bảng 3.8: Danh mục vị trí quan trắc môi trường nước mặt

STT Kí hiệu mẫu Vị trí
1 NM1   Đầu nguồn Thủy điện Đắk Nông 1 – Xã Quảng Thành
2 NM2   Cầu Đắk Nia 2
3 NM8   Cầu xã Đắk R’tih
4 NM9   Hồ Doãn Văn (gần Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 1)
5 NM10   Xã Đắk Ngo (cầu Đắk Ngo)
6 NM11   Hồ nước xã Đắk Ha
7 NM12   Hồ xã Quảng Khê (ngã 3 đi thủy điện Đồng Nai 4)
8 NM13   Đầu nguồn thủy điện Đồng Nai 3
9 NM14   Cuối nguồn thủy điện Đồng Nai 3
10 NM15   Hồ cấp nước xã Quảng Khê
11 NM16   Cầu 20 Đắk Song
12 NM17   Suối Đắk Rung, xã Thuận Hạnh
13 NM18   Hồ Đắk R'lon
14 NM19   Cầu Km 35+334
15 NM20   Suối Đắk Nông (gần nhà máy tinh bột sắn)
16 NM21   Suối nhỏ (gần nhà máy BiSon)
17 NM23   Hồ Nhân Cơ
18 NM24   Hồ Nhân Cơ (khu vực sau khu nhà chuyên gia dự án Alumin)
19 NM25   Hồ Cầu Tư
20 NM26   Suối Đắk R’keh
21 NM27   Suối Đắk Dao (hạ nguồn)
22 NM28   Suối Đắk Dao (thượng nguồn tại cửa xả số 3)
23 NM29   Suối Đắk Dao (gần Nhà máy Tinh bột sắn Đắk R’lấp)
24 NM30   Hồ Đắk Blao
25 NM31   Suối xã Đắk Ru
26 NM32   Khu Du lịch thác ĐraySáp-Gia Long
27 NM33   Suối Đắk Prí (ranh giới xã Đức Xuyên và xã Nâm N’Dir)
28 NM35   Hồ chứa công trình thủy lợi Đắk Rồ
29 NM36   Đầu nguồn sông Krông Nô - xã Quảng Phú
30 NM37   Cầu Đắk Sôr 2
31 NM40   Hồ Thanh Hà
32 NM41   Hồ Núi lửa
33 NM42   Cầu 14 (cầu Sêrêpốk)
34 NM43   Điểm đầu khu công nghiệp Tâm Thắng (suối Hương)
35 NM44   Điểm cuối khu công nghiệp Tâm Thắng (suối Hương)
36 NM45   Sông Sêrêpôk trước khi tiếp nhận nguồn nước từ suối Hương
37 NM46   Khu vực Suối Ea Gan nơi đổ ra sông Sêrêpôk
38 NM47   Sông Sêrêpôk đoạn chảy qua xã Ea Pô
39 NM48   Hồ Đắk Drông
40 NM49   Suối Ea Đia (Sau trại heo Green Farm Asia)
41 NM50   Hồ Tà Đùng (khu vực gần bến thuyền)
42 NM51   Hồ Tà Đùng (khu vực gần lồng bè nuôi cá)

Diễn biến chất lượng nguồn nước dưới đất qua các năm được đánh giá thông qua các biểu đồ sau:

Hình 3.6: Diễn biến nồng độ pH trong nước mặt

Hình 3.7: Diễn biến nồng độ DO trong nước mặt

Hình 3.8: Diễn biến nồng độ TSS trong nước mặt

Hình 3.9: Diễn biến nồng độ COD trong nước mặt

Hình 3.10: Diễn biến nồng độ BOD₅ trong nước mặt

Hình 3.11: Diễn biến nồng độ amoni trong nước mặt

Hình 3.12: Diễn biến nồng độ NO₂⁻ trong nước mặt

Hình 3.13: Diễn biến nồng độ NO₃⁻ trong nước mặt

Hình 3.14: Diễn biến nồng độ PO₄³⁻ trong nước mặt

Hình 3.15: Diễn biến nồng độ Cl⁻ trong nước mặt

Hình 3.16: Diễn biến nồng độ Cr⁶⁺ trong nước mặt

Hình 3.17: Diễn biến nồng độ Fe trong nước mặt

Hình 3.18: Diễn biến nồng độ Fe trong nước mặt

Hình 3.19: Diễn biến nồng độ Zn trong nước mặt

Hình 3.20: Diễn biến nồng độ Mn trong nước mặt

Hình 3.21: Diễn biến nồng độ As trong nước mặt

Hình 3.22: Diễn biến nồng độ Pb trong nước mặt

Hình 3.23: Diễn biến nồng độ Cd trong nước mặt

Hình 3.24: Diễn biến nồng độ Coliforms trong nước mặt

Đánh giá:

Qua kết quả đánh giá chất lượng nước dưới đất cho thấy nguồn nước còn khá tốt, đa số các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn QCVN 09-MT:2015/BTNMT (cột B1). Tuy nhiên còn một vài thông số như TSS, amoni, nitrit, photphat, Fe, Mn vượt một ít so với quy chuẩn, đặc biệt là thông số Coliform có những thời điểm vượt khá nhiều, mặc dù những lần vượt này không xảy ra thường xuyên và lặp lại trên một vị trí.

3.3. Môi trường nước dưới đất

Chất lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh được đánh giá qua kết quả quan trắc hàng năm của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Nông; kết quả quan trắc được tổng hợp từ năm 2020 đến nay như sau:

Bảng 3.9: Danh mục vị trí quan trắc môi trường nước dưới đất

STT Kí hiệu mẫu Vị trí
1 NN05 Xã Đắk Nia
2 NN06 Xã Quảng Tân
3 NN07 Xã Đắk Búk So
4 NN08 Xã Đắk R’tih
5 NN09 Xã Đắk Ngo (gần biên giới)
6 NN10 Xã Đắk Som
7 NN11 Xã Quảng Sơn
8 NN12 Xã Đắk Ha
9 NN13 Khu vực gần bãi rác Quốc Long, xã Đắk Ha
10 NN14 Xã Nam Bình
11 NN15 Xã Đắk N'Drung
12 NN16 Xã Trường Xuân
13 NN17 Xã Thuận Hạnh
14 NN18 Xã Nâm N’Jang (gần nhà máy tinh bột sắn)
15 NN19 Xã Nghĩa Thắng
16 NN20 Xã Nhân Đạo
17 NN21 Xã Nhân Cơ (Thôn 4)
18 NN22 Xã Nhân Cơ (thôn 12)
19 NN23 Xã Nhân Cơ (Bon Bù Dấp)
20 NN24 Xã Đắk Ru
21 NN26 Xã Nam Đà
22 NN28 Xã Đức Xuyên
23 NN29 Xã Thuận An (gần cụm công nghiệp)
24 NN32 Xã Đắk Gềnh
25 NN33 Gần khu công nghiệp Tâm Thắng
26 NN34 Xã Đắk Drông
27 NN35 Xã Nam Dong
28 NN36 Xã Trúc Sơn

Diễn biến chất lượng nguồn nước dưới đất qua các năm được đánh giá thông qua các biểu đồ sau:

Hình 3.25: Diễn biến nồng độ pH trong nước dưới đất

Hình 3.26: Diễn biến độ cứng trong nước dưới đất

Hình 3.27: Diễn biến nồng độ pemanganat trong nước dưới đất

Hình 3.28: Diễn biến nồng độ amoni trong nước dưới đất

Hình 3.29: Diễn biến nồng độ clorua trong nước dưới đất

Hình 3.30: Diễn biến nồng độ nitrit trong nước dưới đất

Hình 3.31: Diễn biến nồng độ nitrat trong nước dưới đất

Hình 3.32: Diễn biến nồng độ sunphat trong nước dưới đất

Hình 3.33: Diễn biến nồng độ Crom VI trong nước dưới đất

Hình 3.34: Diễn biến nồng độ Fe trong nước dưới đất

Hình 3.35: Diễn biến nồng độ Cu trong nước dưới đất

Hình 3.36: Diễn biến nồng độ Zn trong nước dưới đất

Hình 3.37: Diễn biến nồng độ Mn trong nước dưới đất

Hình 3.38: Diễn biến nồng độ Cd trong nước dưới đất

Hình 3.39: Diễn biến nồng độ Pb trong nước dưới đất

Hình 3.40: Diễn biến nồng độ As trong nước dưới đất

Hình 3.41: Diễn biến nồng độ coliform trong nước dưới đất

Đánh giá:

Qua kết quả đánh giá chất lượng nước dưới đất cho thấy nguồn nước còn khá tốt, đa số các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn QCVN 09:2015/BTNMT (cột B1) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất. Riêng chỉ tiêu coliform có nhiều vị trí vượt hơn nhiều lần Quy chuẩn cho phép. Nguyên nhân chủ yếu do đa số các mẫu nước ngầm này được bơm trực tiếp từ giếng của hộ dân, chưa qua xử lý; ngoài ra, hệ thống máy bơm, ống dẫn nước ở những vị trí này lâu ngày không được vệ sinh dẫn đến nồng độ coliform cao vượt Quy chuẩn.

3.4. Môi trường đất

Chất lượng đất trên địa bàn tỉnh được đánh giá qua kết quả quan trắc hàng năm của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Nông; kết quả quan trắc được tổng hợp từ năm 2020 đến nay để có thể thấy rõ những thay đổi của môi trường đất qua các năm như sau:

Bảng 3.10: Danh mục vị trí quan trắc môi trường đất

STT Kí hiệu mẫu Vị trí
1 Đ01 Xã Quảng Thành
2 Đ03 Xã Đăk R'Moan (gần ngã 3 đường tránh)
3 Đ04 Xã Đăk Nia
4 Đ05 Xã Đắk Buk So
5 Đ06 Xã Đăk Rtih
6 Đ07 Xã Quảng Tâm
7 Đ08 Xã Quảng Khê
8 Đ09 Xã Quảng Sơn
9 Đ10 Xã Đăk Ha
10 Đ11 Xã Đăk N'Drung
11 Đ12 Xã Trường Xuân
12 Đ13 Xã Thuận Hạnh
13 Đ14 Đất gần Khu công nghiệp Nhân Cơ
14 Đ15 Xã Nghĩa Thắng
15 Đ16 Hạ lưu suối Đăk Dao
16 Đ17 Xã Nam Đà
17 Đ18 Xã Đức Xuyên
18 Đ19 Xã Đắk R’la
19 Đ20 Xã Thuận An
20 Đ21 Xã Đức Mạnh
21 Đ22 Xã Trúc Sơn
22 Đ23 Gần KCN Tâm Thắng
23 Đ24 Xã Nam Dong

Đánh giá:

Qua kết quả đánh giá hàm lượng kim loại nặng trong đất cho thấy chất lượng môi trường đất tại các các khu vực nông thôn chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên hàm lượng N và P ở trong đất khá thấp.

Diễn biến chất lượng môi trường đất được đánh giá thông qua các biểu đồ sau:

Hình 3.42: Diễn biến hàm lượng Cu trong đất

Hình 3.43: Diễn biến hàm lượng Zn trong đất

Hình 3.44: Diễn biến hàm lượng Pb trong đất

Hình 3.45: Diễn biến hàm lượng As trong đất

Hình 3.46: Diễn biến hàm lượng tổng N trong đất

Hình 3.47: Diễn biến hàm lượng tổng P trong đất

 

Chương IV. TÁC ĐỘNG CỦA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

4.1. Đánh giá tác động của phát triển nông nghiệp; mức độ tuân thủ các mục tiêu trong việc phát triển nông nghiệp ở khu vực nông thôn:

Hiện nay, khu vực nông thôn tỉnh Đắk Nông chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; theo đó, việc ảnh hướng đến môi trường là điều tất yếu. Dựa trên phương pháp sản xuất nông nghiệp của người dân và dựa trên sự ảnh hưởng của những phương pháp canh tác tác động lên hệ thống canh tác hoặc các chất thải ra môi trường thuộc khu vực nông thôn chủ yếu bao gồm:

- Phụ phẩm nông nghiệp: trong đó, phần lớn các phế phẩm này được người dân tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, một phần được đem đốt hoặc để lại trên đồng ruộng. Do đó, làm ảnh hưởng tới môi trường đất, tác động đến sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là ảnh hưởng tới môi trường không khí. Người dân cho rằng việc đốt các phế phẩm nông nghiệp để lấy tro bón ruộng sẽ bổ sung dinh dưỡng cho đất. Nhưng thực tế, việc này làm cải thiện tình trạng đất rất ít, phần lớn làm ảnh hưởng tới môi trường và tài nguyên đất tại nơi đốt. Làm cho đất tại vị trí đốt bị nóng, ảnh hưởng tới sinh vật trong đất, một số thành phần cơ giới của đất bị thay đổi khiến cho đất bị chai. Nguồn dinh dưỡng bị mất dần, năng suất cây trồng giảm. Bên cạnh đó, khói tỏa ra từ những nơi đốt ảnh hưởng tới sức khỏe người dân trong khu vực và những vùng phụ cận. Không khí ngột ngạt, gây ra hiện tượng khó thở. Không chỉ vậy, trong các phế phẩm nông nghiệp thành phần chủ yếu là xenlulozo, hemixenlulozo và một số hợp chất hữu cơ khác, khi bị đốt tạo khí CO₂ và các khói bụi gây ô nhiễm môi trường không khí, tăng hiệu ứng nhà kính.

- Dư lượng phân bón hóa học, thuốc BVTV: Quá trình sản xuất người dân còn sử dụng phần lớn phân bón hóa học và thuốc BVTV cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đất, không khí và sức khỏe trực tiếp của người sản xuất, khả năng tồn dư lượng trong nông sản,…

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

4.2. Tác động đến sức khỏe của người dân.

4.2.1. Ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Con người đang phải “trả giá” về mặt sức khỏe bởi cách mà chúng ta đối xử với môi trường. Trong vòng 30 năm qua, có khoảng 40 bệnh mới đã phát sinh và đều có nguồn gốc từ ô nhiễm môi trường. Hàng loạt các bệnh hô hấp, đường ruột, truyền nhiễm, bệnh phụ khoa… có nguy cơ tăng cao, trong đó yếu tố môi trường sống là tác nhân truyền bệnh. Một số làng ung thư, làng bệnh tật đã xuất hiện ở vùng nông thôn. Những bệnh “nan y” thường chỉ phổ biến ở khu vực đô thị, nơi phải chịu nhiều chất độc hại thì nay có nguy cơ trở thành “vấn nạn” ở vùng nông thôn.

Tác động của ô nhiễm đối với sức khỏe người dân càng trở nên nghiêm trọng do điều kiện khám chữa bệnh tại vùng nông thôn chưa được đảm bảo và đời sống còn nhiều khó khăn. Bệnh tật đến đồng nghĩa với việc người dân phải chi trả cho các chi phí khám chữa bệnh và thuốc men, chịu những tổn thất thu nhập từ việc mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm... Gánh nặng bệnh tật, do vậy, càng khiến cho cuộc sống của người dân thêm nhọc nhằn.

Theo các tài liệu khoa học trên thế giới, có hơn 300 loại bệnh lây truyền qua đường nước. Nguyên nhân là do các vi sinh vật (vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng…) có khả năng xâm nhập vào cơ thể con người qua đường nước uống hoặc nước dùng chế biến thực phẩm, từ đó gây ra các bệnh về tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy; các bệnh bại liệt, viêm gan, lỵ amip, giun, sán… Đặc biệt, nguồn nước bị nhiễm các hóa chất từ sản xuất, sinh hoạt của con người, nước thải từ các khu công nghiệp thường gây ra các bệnh mãn tính, bệnh ung thư, các bệnh ảnh hưởng đến sinh sản và di truyền cho người sử dụng. Tại các vùng nông thôn, do điều kiện kinh tế thấp, nhiều hộ gia đình vẫn sử dụng nước sông, ao hồ, kênh rạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Theo thống kê của Bộ Y tế, các bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn là 3 trong số 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, trong đó tiêu chảy là bệnh đứng thứ 6 trong các bệnh có tỷ lệ tử vong lớn nhất (0,009/100.000 dân). Số người mắc bệnh tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn.

Nguồn nước bị nhiễm ký sinh trùng do việc quản lý không tốt các loại chất thải, phân gia súc, gia cầm; bị nhiễm độc do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... đều là những tác nhân làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa…

Ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đất đến sức khỏe con người thể hiện rõ nhất ở sự tích tụ dư lượng thuốc BVTV, phân bón trong môi trường đất. Việc sử dụng không đúng cách hoặc quá nhiều các loại phân bón, thuốc BVTV khiến cho cây trồng không hấp thụ hết gây nên tình trạng tồn dư phân bón, thuốc BVTV trong đất, từ đó tích lũy vào nông sản thực phẩm, gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm và những tác động lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Lượng phân bón hóa học từ môi trường đất tích lũy trong các nông sản, nhất là các loại rau quả tươi có hàm lượng Nitrat dư thừa có thể dẫn đến bệnh hiểm nghèo là hội chứng trẻ xanh (Methaemoglobinamia-tắc nghẽn vận chuyển ôxy trong cơ thể trẻ em), kìm hãm sự phát triển của trẻ dưới 1 tuổi, làm trẻ xanh xao, gầy yếu và ung thư dạ dày, vòm họng ở người lớn.

Các loại chất thải rắn độc hại như vỏ thuốc bảo vệ thực vật phát sinh từ hoạt động trồng trọt do người dân sau khi sử dụng vứt bỏ bừa bãi tại đồng ruộng; phế thải và chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và sinh hoạt… nếu không được thu gom, xử lý bảo đảm kỹ thuật và vệ sinh môi trường sẽ trở thành hiểm họa cho môi trường đất, nước, không khí gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, làm gia tăng các bệnh về mắt, hô hấp, các bệnh ngoài da, thậm chí cả bệnh ung thư.

Nguồn: Báo cáo môi trường quốc gia năm 2014

4.2.2. Tình hình sức khỏe của người dân thể hiện thông qua các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường.

Tình hình sức khỏe của người dân thể hiện thông qua các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường năm 2020, 2021 và ước tính năm 2022 như sau:

Bảng 4.1: Tình hình sức khỏe của người dân thể hiện thông qua các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2022

TT Bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường Năm
2020 2021 Ước tính 2022
Mắc Chết Mắc Chết Mắc Chết
1 Bệnh Tả 0 0 0 0 0 0
2 Bệnh Lỵ Amip 14 0 14 0 3 0
3 Bệnh Lụy trực trùng 60 0 31 0 8 0
4 Bệnh Tiêu chảy 881 0 593 0 368 0
5 Bệnh Tay chân miệng 494 0 103 0 3 0
6 Bệnh Sốt xuất huyết 583 0 227 0 1.691 0

Nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật

4.3. Tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ô nhiễm môi trường gây ra những thiệt hại không nhỏ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng như hoạt động phát triển du lịch. Những vấn đề này không chỉ gây ảnh hưởng tới đời sống người nông dân mà còn gây ra những tổn thất lớn tới vấn đề phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường đất. Việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng cây trồng. Hiện nay, hiện tượng đất nông nghiệp bị “chai cứng” do dư thừa phân bón hóa học trong đất ngày càng trở nên phổ biến dẫn đến năng suất cây trồng bị giảm sút. Sử dụng thuốc BVTV cũng gây nên tình trạng sản phẩm nông sản bị nhiễm độc, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm. Thu nhập của người nông dân do đó cũng bị giảm đáng kể.

Môi trường nước mặt (sông hồ, kênh mương) là nguồn tưới tiêu chính trong hoạt động nông nghiệp. Khi chất lượng nước của hệ thống này bị ô nhiễm dẫn tới những thiệt hại không nhỏ đối với hoạt động canh tác tại các khu vực nông thôn.

Khí thải tại các khu vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở công nghiệp nhỏ, làng nghề ở khu vực nông thôn, chưa qua xử lý có nồng độ cao các chất độc hại như CO, NOx, SO2... cũng gây thiệt hại tới năng suất cây trồng và kinh tế.

4.4. Tác động đến cảnh quan và môi trường sinh thái

Nếu trước đây, nông thôn được coi là khu vực lý tưởng để nghỉ dưỡng bởi không gian xanh, sạch, đẹp thì nay môi trường cảnh quan một số vùng nông thôn đã bị ảnh hưởng bởi rác thải và bốc mùi khó chịu. Không khí trong lành tại làng quê cũng không còn, thay vào đó là mùi hôi thối phát sinh từ các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Môi trường ô nhiễm không những làm xấu đi hình ảnh của vùng nông thôn mà còn để lại những hệ lụy lâu dài. Hệ sinh thái được cho là tương đối xanh sạch như ở nông thôn cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu trước đây, những loài thủy hải sản thường xuất hiện rất nhiều ở nông thôn thì hiện nay, chúng hầu như biến mất vì môi trường đã bị ô nhiễm. Đây không chỉ là vấn đề tài nguyên thủy sản mà xét một cách lâu dài, hệ quả của việc nhiều loài trong chuỗi hệ sinh thái sống ở nông thôn bị suy giảm, cạn kiệt cũng ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của con người.

Đặc tính của thuốc trừ sâu bệnh là tính bền trong môi trường sinh thái và có khả năng làm đảo lộn hệ sinh thái nông nghiệp. Sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật sẽ gây hiện tượng sâu hại quen thuốc dẫn đến kháng thuốc và chống thuốc. Vì vậy, những vụ sau, để tiêu diệt sâu bệnh hại người dân lại phải tăng nồng độ và liều lượng các loại thuốc BVTV dẫn đến hiện tượng lượng thuốc BVTV tăng dần qua các năm trên cùng đơn vị diện tích. Điều đó gây tốn kém về kinh tế, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, dư lượng các loại thuốc BVTV ngày càng cao trên các loại nông sản, ảnh hưởng càng nguy hại tới sức khoẻ con người.

Việc sử dụng thuốc BVTV một cách tràn lan, chưa có biện pháp xử lý triệt để và hợp lý đã để lại những hậu quả đáng chú ý về ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí; gây độc cho con người và các loại động vật, làm mất cân bằng tự nhiên. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm hoang hóa tài nguyên đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Các nhà khoa học cũng đã chỉ ra mối quan hệ giữa thuốc trừ sâu và hiện tượng biến đổi tế bào gen trên cây trồng và vật nuôi, đồng thời dự báo những thay đổi của chọn lọc tự nhiên, lan truyền bệnh tật, khả năng sinh sản của động vật hoang dã, từ đó gây nên hiệu ứng dây chuyền trên các quần thể, hệ sinh thái và chuỗi thức ăn.

Chương V. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

5.1. Những việc đã làm được và những tồn tại, thách thức trong công tác quản lý môi trường về:

5.1.1. Cơ cấu, tổ chức

Bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường đang từng bước được kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ môi trường, đối với cấp tỉnh: Chi cục Bảo vệ môi trường hiện nay có 12 công chức đã qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công tác bảo vệ môi trường; Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường có 20 viên chức; Quỹ Bảo vệ môi trường có 05 hợp đồng lao động; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh có 4 công chức. Bên cạnh đó còn có lực lượng Cảnh sát môi trường với 30 cán bộ chiến sỹ; đối với các huyện, thành phố Phòng Tài nguyên và Môi trường có từ 01 đến 02 cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; riêng các xã, phường, thị trấn do cán bộ địa chính - nông nghiệp - xây dựng kiêm nhiệm công tác bảo vệ môi trường.

5.1.2. Thể chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật.

Để tăng cường công tác quản lý môi trường, các chính sách và giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật như sau:

Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 15/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông quy định mức chi cho công tác theo dõi, đánh giá bộ chỉ số nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; kiểm tra, đánh giá chất lượng nước tại hộ gia đình vùng nguồn nước bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk nông quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 20/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Quyết định  số 03/2018/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 về Quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận  chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ban hành kèm theo Quyết định số 39/2018/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông.

Quyết định số 835/QĐ-UBND ngày 15/6/2021 ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Đắk Nông

Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 13/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Quyết định số 1413/QĐ-UBND ngày 17/8/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch xây dựng lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Quyết định số 1700/QĐ-UBND ngày 18/10/2022 việc phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030

Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 19/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 – 2025.

5.1.3. Tài chính và đầu tư trong công tác bảo vệ môi trường.

Năm 2020, tổng chi ngân sách từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh là 50.328 triệu đồng (trong đó Kinh phí phân bổ cho các huyện, thành phố Gia Nghĩa là trong dự toán đầu năm 37.066 triệu đồng; Kinh phí phân bổ đầu năm cho các đơn vị cấp tỉnh là 13.262 triệu đồng).

Năm 2021, tổng chi ngân sách từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh là 50.428 triệu đồng (trong đó Kinh phí phân bổ cho các huyện, thành phố Gia Nghĩa là trong dự toán đầu năm 38.566 triệu đồng; Kinh phí phân bổ đầu năm cho các đơn vị cấp tỉnh là 11.862 triệu đồng).

Ngày 15/12/2021, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 173/NQ-HĐND thông qua dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương; phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2022. Trong đó, dự toán chi ngân sách cấp tỉnh theo lĩnh vực bảo vệ môi trường là  61.703 triệu đồng (trong đó Kinh phí phân bổ cho các huyện, thành phố Gia Nghĩa là trong dự toán đầu năm 51.475 triệu đồng; Kinh phí phân bổ đầu năm cho các đơn vị cấp tỉnh là 10.228 triệu đồng).

5.1.4. Tổ chức và triển khai hoạt động bảo vệ môi trường.

Việc triển khai thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường được triển khai từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, xã; doanh nghiệp và người dân… Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng lên, các hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và xử lý các vi phạm được đẩy mạnh, từng bước kiểm soát và tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường của tỉnh.

5.1.5. Thủ tục hành chính:

Sở Tài nguyên và Môi trường  đã tham mưu UBND tỉnh Phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với 15 dự án[1]; cấp Giấy phép môi trường đối với 05 dự án[2].

5.1.6. Thanh tra, kiểm tra và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về Bảo vệ môi trường

Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra, xử lý đối với 10 thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, báo chí trong công tác bảo vệ môi trường, tham mưu ban hành 07 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vi phạm các quy định pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường, với tổng số tiền phạt là 766 triệu đồng.

5.1.7. Kiểm soát ô nhiễm và xử lý các nguồn gây ô nhiễm

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh về môi trường trên địa bàn ;Do đó, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được xử lý nghiêm, kịp thời. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị vi phạm khắc phục hậu quả đảm bảo chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Kết quả: số vụ việc được tham mưu xử lý là 18 vụ việc, các vụ việc đều được xử lý đảm bảo quy trình, đối tượng và đạt đến kết quả cuối cùng; vấn đề bức xúc nhất và nhận được nhiều thông tin phản ánh nhất là tình trạng ô nhiễm môi tường của các trang trại chăn nuôi mang tính tự phát, nhỏ lẽ của hộ gia đình chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và chưa có thủ tục môi trường.

5.1.8. Hoạt động quan trắc, giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường; Áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường

Thực hiện Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Nông đã được đầu tư và đưa vào vận hành máy chủ để tiếp nhận, thực hiện kết nối và quản lý số liệu từ các trạm quan trắc tự động, liên tục và kết nối dữ liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo theo quy định. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 02[3] trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục, 01[4] trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục, 13[5] trạm quan trắc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện kết nối, truyền dữ liệu quan trắc về máy chủ đặt tại Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường.

Hoạt động quan trắc hiện trạng môi trường: Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đã thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ hàng năm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đối với môi trường không khí xung quanh, nước mặt, nước dưới đất và đất.

5.1.9. Hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và Sự tham gia của cộng đồng và các hoạt động khác

Để nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các đơn vị có liên quan tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hoạt động thiết thực như: mít tinh, lễ ra quân hưởng ứng các ngày lễ lớn về môi trường, ra quân dọn vệ sinh, phát tờ rơi, tờ gấp về rác thải nhựa, về rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật,…; treo panô, áp phích ở các khu đông dân cư; tổ chức cuộc thi về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường như thi làm video, vẽ, biểu diễn văn nghệ, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng dân cư…; mở các lớp tập huấn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm truyền tải đến cộng đồng về các chủ trương chính sách, pháp luật của nhà nước, về kết quả công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, qua đó nêu các gương người tốt, việc tốt khích lệ người dân cùng tham gia quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tổ chức  Hội  thảo  tập  huấn,  phổ biến các quy định,  chính  sách  của  Luật Bảo  vệmôi trườngvà các văn bản quy định  chi  tiết  thi  hành  Luật  BVMT  cho các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các cơ sở sản xuất.

Xây dựng chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

5.1.10. Một số tồn tại, hạn chế:

Số lượng cán bộ quản lý, bảo vệ môi trường còn mỏng.

Cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường ở cấp xã, phường chủ yếu là kiêm nhiệm, chuyên môn về công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế nên việc quản lý, kiểm tra, giám sát và tham mưu thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo chức năng nhiệm vụ chưa kịp thời.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường ở cấp huyện chưa đáp ứng đầy đủ phục vụ công tác quản lý môi trường.

Kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh còn thấp, chưa đủ phục vụ nhu cầu quan trắc môi trường để đánh giá chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh .

Nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường

5.2. Về tình hình quản lý thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2022

5.2.1. Hiện trạng môi trường tại khu dân cư tập trung tại khu vực nông thôn.

Hàng năm, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đều thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đối với môi trường không khí xung quanh, nước mặt, nước dưới đất và đất. Qua kết quả quan trắc cho thấy chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hầu như chưa bị ô nhiễm.

Tuy nhiên đối với môi trường khu dân cư tập trung tại khu vực nông thôn vẫn có tình trạng ô nhiễm cục bộ do tình trạng chất thải rắn sinh hoạt của người dân không được thu gom và xử lý đúng quy định.

5.2.2. Tình hình quản lý thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay trên có 17 cơ sở, địa điểm hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chủ yếu các địa phương giao cho tổ chức, cá nhân dịch vụ vệ sinh môi trường quản lý vận hành, các địa điểm này tiếp nhận khoảng 250 - 300 tấn/ngày, trong đó xử lý bằng hình thức chôn lấp khoảng 235-280 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ khoảng 94%, xử lý bằng công nghệ thiêu đốt khoảng 15-20 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ khoảng 6%; số lượng còn lại được nhân dân sử dụng hố chôn lấp tại hộ gia đình theo hướng dẫn của chính quyền địa phương hoặc tự phát.

Thực trạng hiện nay tại cơ sở, điểm xử lý trên địa bàn tỉnh do tình trạng khó khăn trong việc huy động nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hạng mục công trình xử lý nên chưa đảm bảo, một số khu, điểm bãi chôn lấp, xử lý trong tình trạng quá tải, vượt công suất hạ tầng, thiết bị xử lý dẫn đến chất thải tồn đọng mà chưa kịp xử lý triệt để, đảm bảo vệ sinh môi trường. Một số bãi chôn lấp chất thải rắn được đầu tư hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, nhà điều hành, công trình hạng mục và máy móc thiết bị đi kèm phục vụ cho việc xử lý rác, phương tiện như xe máy xúc, xe ủi (tự mua hoặc thuê). Còn lại hầu hết các bãi chôn lấp hạng mục công trình xử lý chủ yếu là đào múc đất thành các ô chôn lấp, sau đó lót bạt chống thấm để hạn chế nước rỉ rác ngấm vào môi trường đất, nước xung quanh hoặc chưa có điều kiện để thực hiện. Đa số bãi chôn lấp chưa có công trình, hệ thống thiết bị xử lý môi trường cho bãi chôn lấp đảm bảo quy chuẩn bảo vệ môi trường.

Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị do công ty vệ sinh môi trường thực hiện, ở khu vực nông thôn do các hợp tác xã tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận hợp đồng với người dân, tuy nhiên tỷ lệ tham gia thực hiện còn thấp, việc thu gom, xử lý vẫn chỉ dừng lại tại những khu vực thuận lợi cho việc tập kết, số lượng rác còn lại chưa thu gom được người dân tự thu gom, xử lý trong khuôn viên gia đình, vườn rẫy… nên một số tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ thu gom, xử lý rác thải cần có sự hỗ trợ kinh phí từ từ nguồn ngân sách nhà nước để đảm bảo công tác vận hành duy trì hoạt động.

- Nguyên nhân chủ yếu: Công tác xã hội hóa đầu tư cho xử lý chất thải rắn hạn chế; thiếu nguồn vốn đầu tư cho các công trình xử lý rác thải; mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Công tác vận hành các công trình xử lý rác thải chưa đúng theo quy trình kỹ thuật.

5.2.3. Vấn đề cấp thoát nước tại các khu vực nông thôn:

Cấp nước: Tỉ lệ đảm bảo nước tưới cho diện tích cần tưới ước tính là 82%, Tỉ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ước tính là 92%.

Thoát nước: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện mới chỉ có dự án đầu tư mở rộng hạ tầng thu gom nước thải tập trung tại thành phố Gia Nghĩa với công suất 600 m³/ngày.đêm đã góp phần thu gom, xử lý nước thải cho các khu vực trung tâm thành phố, giải quyết tình trạng các nguồn nước thải đổ vào hồ, suối và các khu vực khác gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên thực tế hiện nay chỉ thu gom đạt khoảng 10% đối với các hộ dân có thuận lợi trong công tác đấu nối, còn lại các khu vực khác việc thu gom nước thải chưa thực hiện được do địa hình khu vực dốc, rất khó khăn cho công tác thu gom, đấu nối, kinh phí để triển khai các giải pháp còn hạn chế.

Nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường

5.3. Quản lý chất thải rắn nông nghiệp và nông thôn

Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 602/SNN-PTNN, ngày 25/3/2022 về việc phổ biến các Thông tư hướng dẫn việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp; Tham mưu xây dựng 05 quy trình sản xuất đối với cà phê vối, cà phê dây, ngô, lúa và chanh dây đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; các văn bản hướng dẫn sản xuất theo thời vụ, trong đó hướng dẫn người dân tăng cường các biện pháp tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí đầu vào trong tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong thời gian gần đây.

Ban hành Kế hoạch số 24/KH-SNN, ngày 25/3/2022 về việc thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong trồng trọt, chăn nuôi; Công văn số 946/SNNPTNN, ngày 6/5/2022 về việc tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo xây dựng bể chứa, thu gom bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng gửi UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, chỉ đạo Chi cục Phát triển nông nghiệp phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố Gia Nghĩa; Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thành phố Gia Nghĩa hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo nguyên tắc “4 đúng” và thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLTBNNPTNT-BTNMT, ngày 16/05/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tổ chức được 08 lớp tập huấn trong đó: 06 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với 226 lượt người tham dự trong đó: nữ 112 người chiếm 49,5%, DTTS 80 người chiếm 35%, tại 03 huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk G’long; 01 lớp bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV với 56 lượt người tham dự, nam 36 người chiếm 64,2%; DTTS 4 người chiếm 7,1% và 01 lớp bồi dưỡng chuyên môn về phân bón 75 người tham gia, nam 54 người chiếm 72%, DTTS 4 người chiếm 5,33% cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tham gia, qua đó nâng cao trách nhiệm về kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Theo báo của các địa phương tình hình xây dựng bể chứa trên địa bàn tỉnh lũy kế đến năm 2022 tính đến nay là 206 bể (trong đó 91 bể không đáy; 85 bể có đáy, có nắp; 30 bể có đáy).

Số lượng bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng thu gom từ đầu năm đến quý III/2022 là 1.348 kg Trong đó số lượng đã xử lý là 1.347 kg (chủ yếu ở huyện Krông Nô và Cư Jút, các địa phương khác chưa có báo cáo).

Hình thức xử lý tiêu hủy: Đối với huyện Krông Nô và Cư Jút bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom vào bể chứa sau đó đốt tại bể.

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5.4. Tình hình nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ tại khu vực nông thôn

5.4.1. Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ tại khu vực nông thôn

Trong năm 2022, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ được triển khai khá toàn diện trên các lĩnh vực. Việc tổ chức đánh giá tuyển chọn, giao trực tiếp, công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện và nghiệm thu đánh giá các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã đổi mới theo hướng nâng cao yêu cầu ứng dụng trong thực tiễn. Hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ đã được các ngành, địa phương triển khai rộng rãi. Trong năm 2022 đã triển khai 04 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh:

(1). Nhiệm vụ: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo mẫu liên hợp máy thu hoạch cà phê phù hợp điều kiện canh tác tại Đắk Nông nhằm xây dựng Quy trình cơ giới hóa khâu thu hoạch cà phê với giống cà phê được trồng phổ biến ở Đắk Nông; Thiết kế được mẫu liên hợp máy thu hoạch cà phê, sử dụng nguồn động lực máy kéo cỡ trung, thu hoạch một bên hàng cà phê, đảm bảo điều kiện kinh tế, giá thành thấp hơn giá nhập ngoại; Ứng dụng thử nghiệm, hoàn thiện bộ phận thu hoạch cà phê lắp trên máy kéo trong sản xuất cà phê ở vùng Đắk Nông.

(2). Nhiệm vụ: Đánh giá, chọn lọc giống và xây dựng quy trình canh tác, chế biến sâu tạo sản phẩm từ cây mắc ca (Macadamia intergrifolia) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca và phân tích được chuỗi giá trị mắc ca tại tỉnh Đắk Nông; Chọn lọc 2-3 giống giống mắc ca phù hợp và xây dựng được vườn đầu dòng cây mắc ca tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông (0,5 ha, 500 m2 vườn sản xuất cây giống); Xây dựng được quy trình canh tác cây mắc ca phù hợp điều kiện của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; Xây dựng được quy trình công nghệ chế biến dầu nhân hạt mắc ca nguyên chất; Xây dựng được quy trình chế biến nước dinh dưỡng mắc ca.

(3). Nhiệm vụ: Nghiên cứu xây dựng mô hình nhân giống, trồng thử nghiệm và phát triển sản phẩm cây An xoa (Helicteres isora) tại tỉnh Đắk Nông để xây dựng quy trình nhân giống, mô hình trồng và tạo một số sản phẩm từ cây An xoa (Helecteris isora) trồng tại tỉnh Đắk Nông

(4). Nhiệm vụ: Nghiên cứu các loài chè phân bố tại Vườn quốc gia Tà Đùng, xác định giá trị và đề ra các giải pháp bảo tồn, phát triển có hiệu quả nhằm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu của các loài chè cổ phân bố tại VQG Tà Đùng bao gồm việc định danh tên loài, xác định đặc điểm phân bố hiện tại và sinh thái đặc trưng, xác định thành phần, hoạt tính sinh học của một số loài chè có tiềm năng về dược liệu. Các phát hiện và phân tích này nhằm làm căn cứ khoa học để đóng góp đề xuất giải pháp bảo tồn loài bền vững và phát triển các loài chè tiềm năng trong khu vực.

5.4.2. Hoạt động chuyển giao công nghệ tại khu vực nông thôn.

Các dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 thực hiện trong năm 2022 đã chuyển giao một số tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp với 04 Dự án (1). “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình xử lý đồng bộ chất thải chăn nuôi heo tạo phân bón hữu cơ vi sinh, phát điện và bảo vệ môi trường bền vững tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông”; (2). “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt sinh sản và vỗ béo bò tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông”; (3). “Ứng dụng và phát triển công nghệ sản xuất gạch không nung từ vật liệu sẵn có tại tỉnh Đắk Nông”; (4). “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc loài trai đen cánh dày (Hyriopsis Cumingii Lea) tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông”.

Hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh số ít, hàng hóa, khách hàng chưa nhiều và nguồn nhân lực về công nghệ còn yếu nên việc đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ chưa phát triển nhiều.

5.4.3. Vấn đề áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn tại khu vực nông thôn.

Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất (mô hình tưới tiết kiệm; sử dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng…), áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến vào trồng trọt và chế biến nông sản (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; đảm bảo an toàn thực phẩm theo Quy chuẩn Việt Nam 01-09:2009/BNNPTNT…) nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, số lượng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng, xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đem lại năng suất cao.

Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân, tiến đến sản xuất theo hướng kỹ thuật cao hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường, xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất giúp khai thác tốt các điều kiện tự nhiên, lợi thế vùng, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, hướng đến sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chương VI. CÁC THÁCH THỨC TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

6.1. Các thách thức về môi trường nông thôn trong năm 2022 và một số thách thức trong thời gian tiếp theo

Ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, không bố trí đủ kinh phí dành cho các chương trình, dự án bảo vệ môi trường nông thôn; đặc biệt thiếu vốn đầu tư xây dựng mạng lưới thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy hoạch và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích chưa được khắc phục hết.

Nhận thức bảo vệ môi trường gắn liền với phát triển bền vững của người dân ở vùng nông thôn còn hạn chế. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh – dịch vụ ở địa phương chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà ít quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.

Công tác quản lý bảo vệ môi trường đòi hỏi xã hội hoá cao và có sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên, song trong thực tế việc phối hợp giữa các ngành; giữa các phòng, ban; giữa các cấp chính quyền với các đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, thường xuyên, thiếu điều kiện cơ sở vật chất để triển khai các nội dung chương trình.

Chưa đa dạng được nguồn vốn, khuyến khích và thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia công tác bảo vệ môi trường.

Nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường

6.2. Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn

6.2.1. Giải pháp về cơ cấu tổ chức quản lý môi trường.

- Tăng cường năng lực tổ chức cơ quan chuyên môn và cán bộ bảo vệ môi trường các cấp. Xây dựng và thực hiện phương án về tổ chức, cán bộ của cơ quan để đảm bảo thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn theo đúng Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 của Chính phủ; chú trong công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho đội ngủ cán bộ quản lý môi trường các cấp.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường như đào tạo, tập huấn chuyên môn, quản lý về bảo vệ môi trường cho các cán bộ, công chức làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường

6.2.2. Giải pháp về mặt chính sách, thể chế, luật pháp liên quan lĩnh vực bảo vệ môi trường nông thôn.

- Cụ thể hóa các quy định của UBND tỉnh tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 14/4/2021 của UBND tỉnh.

- Tăng cường rà soát và lập danh mục các khu vực có khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, kho chứa hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, bãi chôn lấp chất thải.

- Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp.

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; đẩy mạnh công tác hậu kiểm đánh giá tác động môi trường, kiểm tra cấp giấy phép môi trường.

Xây dựng, thực hiện chương trình thanh kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường hàng năm

- Tăng cường quản lý chất thải rắn; Có chính sách thu hút xã hội hóa công tác xử lý chất thải (đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt), lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp.

- Xây dựng, đưa vào hoạt động và thống nhất quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường.

- Hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp.

- Xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình tự quản tiên tiến ở địa phương.

- Hỗ trợ thực hiện các dự án, nhiệm vụ hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường ở địa phương.

- Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường như: tham gia hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, giải quyết các vụ việc liên quan đến bảo vệ môi trường…

Có cơ chế, chính sách đãi ngộ thích đáng để các cá nhân, tổ chức và cộng đồng bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường; nhân rộng mô hình tự quản về xử lý rác thải, cải thiện môi trường trong toàn tỉnh.

- Bố trí kinh phí, xây dựng quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

- Bố trí kinh phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt do Nhà nước quản lý và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tự phát trên địa bàn tỉnh.

- Thu hút đầu tư các dự án về xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại theo hướng công nghệ xử lý hiện đại, thân thiện môi trường.

6.2.3. Giải pháp về mặt tài chính, đầu tư cho bảo vệ môi trường nông thôn.

Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư vào hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chăn nuôi, y tế và chất thải nguy hại; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tăng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, để hỗ trợ tập trung giải quyết vấn đề môi trường gây bức xúc, tồn đọng kéo dài. Tăng cường vai trò điều phối, phân bổ nguồn lực đầu tư, chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các nguồn thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường phải được đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Thu hút mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả phí bảo vệ môi trường”. Cần xem xét, điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho bảo vệ môi trường ngay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho từng giai đoạn, tập trung ưu tiên đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng, sản xuất nhiên liệu sạch, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các dự án theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

6.2.4. Vấn đề tăng cường các hoạt động giám sát chất lượng, quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường nông thôn.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 798/QĐ-UBND, ngày 9/6/2020 về phê duyệt dự án “nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường của tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2020-2022 để tiếp tục đầu tư, vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục tại các khu vực chịu tác động của nước thải từ các hệ thống xử lý nước thải tập trung của các Khu công nghiệp, cụm Công nghiệp, doanh nghiệp; chịu tác động từ khí thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp có lưu lượng khí thải lớn, các phương tiện giao thông; đầu tư bổ sung trang thiết bị, máy móc quan trắc, lấy mẫu và thí nghiệm của Trung tâm Quan trắc môi trường để đảm bảo duy trì, mở rộng và nâng cao năng lực quan trắc tài nguyên, môi trường…

Xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc môi trường hàng năm; rà soát, điều chỉnh mạng lưới quan trắc môi trường để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại đại phương.

6.2.5. Vấn đề nguồn lực con người, giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng bảo vệ môi trường nông thôn.

Tập trung thực hiện hoạt động phân loại, rác tại nguồn; thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, giảm thiểu chất thải nhựa.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tổ chức lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày môi trường nhằm thu hút được sự tham gia hưởng ứng của đoàn viên thanh niên, cán bộ công chức, người lao động và tầng lớp nhân dân; treo băng rôn trên các trục đường chính, trụ sở cơ quan, đơn vị, những nơi công cộng khẩu hiệu liên quan đến bảo vệ môi trường)

Tổ chức Hội nghị nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng dân cư sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tổ chức các sự kiện nâng cao nhận thức môi trường cho nhân dân trên địa bàn như sự kiện: Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; các ngày: Môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, nước thế giới,… bằng hình thức treo băng rôn, pano trên các trục đường chính, tổ chức các lớp tập huấn, tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh tại các trục đường giao thông..

Hệ thống thông tin cơ sở truyền thanh, truyền hình các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng cần phối hợp với các cấp, các ngành ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo về chấp hành pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường; công tác bảo vệ rừng; công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương; phản ánh tình trạng xả rác thải gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; biểu dương kịp thời những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhiều thành tích trong bảo vệ môi trường.

Nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường

 

 

KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Qua kết quả quan trắc cho thấy mặc dù có những thời điểm kết quả quan trắc không đạt Quy chuẩn nhưng nhìn chung chất lượng môi trường xung quanh khu vực nông thôn hầu như chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên kết quả này chỉ mang tính thời điểm, với số lượng mẫu ít và tần suất quan trắc chưa cao nên chưa đánh giá được thực trạng chất lượng môi trường.

Mặc dù chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn khá tốt, nhưng các nguồn thải chính tại khu vực nông thôn cần quan tâm hiện nay bao gồm: chất thải rắn nông nghiệp; phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; chế biến nông sản; chất thải rắn sinh hoạt; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; khai thác, chế biến khoáng sản và khu vực chợ. Vì vậy cần phải

2. Kiến nghị

Xây dựng hoàn thiện các văn bản quy định, cơ chế chính sách cụ thể; phân công, phân cấp về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo quy định, hướng dẫn các Bộ ngành, Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện quy định Luật bảo vệ môi trường 2020 theo Kế hoạch số 195/KH-UBND, ngày 14 tháng 4 năm 2021 của UBND tỉnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, cán bộ địa phương về vấn đề ô nhiễm môi trường vùng nông thôn.

Đối với ngành nông nghiệp: Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ; Hỗ trợ đào tạo, tập huấn áp dụng quy trình sản xuất an toàn; hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Tăng cường quản lý chất thải rắn; Có chính sách thu hút xã hội hóa công tác xử lý chất thải (đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt), lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp.

Tăng cường triển khai các hoạt động quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực nông thôn, bao gồm việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải là bao bì phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, các chất hóa học tồn lưu trong đất; kiểm soát chất thải từ hoạt động chăn nuôi giết mổ gia súc, gia cầm; khai thác, chế biến khoáng sản và khu vực chợ.

Các đơn vị chủ đầu tư, chủ cơ sở được giao quản lý vận hành tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng công tác quản lý chất thải và bảo vệ môi trường của cơ sở xử lý và xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục các tồn tại, khó khăn vướng mắc để hoàn thành công trình, thiết bị xử lý chất thải và hồ sơ môi trường theo quy định trong thời gian tới.

Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư vào hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chăn nuôi, y tế và chất thải nguy hại; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tăng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, để hỗ trợ tập trung giải quyết vấn đề môi trường gây bức xúc, tồn đọng kéo dài.

Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

 

Danh sách tài liệu tham khảo

 

  1. Báo cáo môi trường quốc gia 2014.
  2. Báo cáo Tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
  3. Báo cáo của các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

[1] dự án Trang trại chăn nuôi lợn thịt tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông của Hộ gia đình bà Lê Thị Diệp (quy mô 1.400 con lợn thịt); dự án Trang trại chăn nuôi lợn thịt tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông của Hộ gia đình ông Trịnh Văn Thúy (Quy mô 1.400 con lợn thịt); Dự án Trang trại chăn nuôi heo thịt, tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết (quy mô 1.400 con heo thịt); Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tre ép, công suất 12.600 m3 gỗ thành phẩm/năm của Công ty Cổ phần vật liệu bền vững Việt Nam tại thôn 5, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; Dự án Trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản, quy mô 2.400 con heo nái của Công ty TNHH chăn nuôi Trường Sinh tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; Dự án trang trại chăn nuôi công nghệ cao khép kín Long Nhân (quy mô 24.000 con heo thịt) của Công ty TNHH Chăn nuôi Long Nhân tại xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông; dự án Hồ suối 38, tỉnh Đắk Nông; địa điểm thực hiện dự án tại xã Đắk R’la và xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông; Dự án trại chăn nuôi heo thịt của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thu Thủy tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông (quy mô 1.400 con heo thịt); Dự án trại chăn nuôi heo nái sinh sản tại thôn Ba Tầng, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông của Công ty TNHH MTV Trường Phát Tây Nguyên (quy mô 2.400 con heo nái); Dự án Trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản tại xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông của Công ty TNHH Thái Thịnh (Quy mô 2.400 heo nái); Dự án trang trại chăn nuôi heo nái Hưng Phú, quy mô 5.000 con heo nái của Công ty TNHH đầu tư chăn nuôi Hưng Phú tại xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông; Dự án trang trại chăn nuôi công nghệ cao khép kín Đắk D’rông 1 quy mô 21.000 con heo thịt tại thôn 20, xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; dự án Trang trại chăn nuôi heo thịt tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông của hộ gia đình bà Lê Thị Hồng (quy mô 2.400 con heo thịt); dự án Trang trại chăn nuôi heo thịt tại thôn Ba Tầng, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông của hộ chăn nuôi Phạm Văn Tài (quy mô 2.400 con heo thịt); Dự án Trang trại chăn nuôi heo nái Lộc Phú, quy mô 10.000 con của Công ty TNHH chăn nuôi Lộc Phú tại xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông;

[2] Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang – Đắk Nông tại KCN Tâm Thắng của Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang – Đắk Nông; Dự án các trạm biến áp và tuyến đường dây trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tại các trạm biến áp, tuyến đường dây trên địa bàn các huyện: Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jut, K rông Nô, TP. Gia Nghĩa; Dự án Nhà máy kéo rút sắt, tráng phủ kim loại Ngọc Mỹ Kim tại KCN Tâm Thắng; của Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Ngọc Mỹ Kim; Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1 tại huyện Đắk Song của Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung; Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông;

[3] Trạm quan trắc nước thải tại đập hồ chứa bùn sau tuyển rửa của Nhà máy Alumin Nhân Cơ; Trạm quan trắc nước thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Đắk Song

[4] Trạm quan trắc tại nhà máy nhiệt điện của Nhà máy Alumin Nhân Cơ

[5] Công ty cổ phần Việt Nguyên có 04 trạm quan trắc tựđộng tại các nhà máy thủy điện là: Đắk Rung, Đắk Nông, Đắk Rung 1 và Đắk Nông 1; Công ty Thủy điện Đồng Nai có 04 trạm quan trắc tự động tại các Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng  Nai 4; Trạm quan trắc của Công ty Thủy điện Đồng Nai 5; Công ty Thủy điện Buôn Kuốp có 03 trạm quan trắc tự động tại các nhà máy thủy điện là: Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Srêpôk 3; Trạm quan trắc của Công ty Thủy điện Đăk Sin 1